Hội thảo khoa học “Trưng cầu ý dân - những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Thứ Sáu, 07/06/2013, 15:22 [GMT+7]

Ngày 4-6-2013, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Trưng cầu ý dân - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Cuộc Hội thảo này nhằm phục vụ cho việc triển khai kế hoạch nghiên cứu, xây dựng Luật trưng cầu ý dân mà Hội Luật gia Việt Nam là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì biên soạn.

Dự Hội thảo có ông Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Văn Yểu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng Ban soạn thảo Luật trưng cầu ý dân chủ trì Hội thảo. Cùng dự Hội thảo còn có các thành viên Ban soạn thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh, Luật trưng cầu ý dân có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết, mang tính thời sự trong đời sống xã hội hiện nay. Hội Luật gia Việt Nam được Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ là Cơ quan chủ trì soạn thảo dự Luật, vì thế Hội Luật gia sẽ tập trung sức lực, trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hội thảo cũng đã nghe nhiều ý kiến thảo luận khác của các nhà khoa học, các chuyên gia.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu một số vấn đề chính để các nhà khoa học, các thành viên Ban soạn thảo tập trung làm rõ như: Về độ tuổi để được trưng cầu ý dân; đối tượng được tham gia trưng cầu ý dân; cơ quan có thẩm quyền để lấy ý kiến trưng cầu ý dân; người được giao lấy ý kiến; hình thức lấy ý kiến; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia ý kiến; xử lý vấn đề phát sinh trong việc trưng cầu ý dân; thời điểm ban hành Luật trưng cầu ý dân…

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội đã có chủ trương xây dựng Luật này từ cách đây 20 năm, vì nhiều lý do khác nhau mà tới nay Luật này mới được soạn thảo, ông cho rằng Luật trưng cầu ý dân phải gắn với Hiến pháp sửa đổi.

Thay mặt Ban soạn thảo, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và nhấn mạnh, đây sẽ là cơ sở để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự luật quan trọng trong thời gian tới .

                                                      Nguyễn Thị Xuân

                        (Hội Luật gia Việt Nam)

;
.