Kết quả 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, tỉnh Hà Giang đã từng bước thu được những kết quả ban đầu đáng khích lệ.
Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 49-NQ/TW tới cán bộ lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh; cán bộ chủ chốt các huyện, thành phố, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết tới cán bộ, đảng viên đang công tác trong các cơ quan tư pháp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh. Căn cứ thực tiễn điều kiện về địa giới hành chính, dân số, diện tích tự nhiên và số lượng án phát sinh hằng năm của các huyện, thành phố, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế và xây dựng Đề án thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và viện kiểm sát nhân dân khu vực tỉnh Hà Giang, trình Tỉnh ủy.
Tỉnh Hà Giang tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 |
Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã đôn đốc các cơ quan tư pháp thực hiện việc kiện toàn bộ máy làm việc theo hướng thu gọn, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác. Thực hiện tốt các quy định pháp luật về điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, chấp hành viên; bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các chức danh pháp lý và quản lý có năng lực, trình độ chuyên môn, ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức. Công tác quy hoạch, tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo công khai, dân chủ. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ tư pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ các ngành tư pháp tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác. Số lượng kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên đều tăng so với thời điểm trước khi có Nghị quyết số 49-NQ/TW, trình độ cũng được nâng lên rõ rệt.
Theo lộ trình tăng thẩm quyền xét xử đối với toà án cấp huyện của Hà Giang bắt đầu từ năm 2004 đến hết năm 2009, đến nay, 11/11 toà án huyện, thành phố thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ sở vật chất cũng đã được quan tâm đầu tư. Đến nay, trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp đã và đang được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo cơ bản đáp ứng về quy mô, diện tích. Phương tiện phục vụ công tác được trang bị, đặc biệt là ô tô, xe máy đối với cấp huyện. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã xây dựng, cải tạo, sửa chữa và đưa vào sử dụng trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và 10/11 trụ sở viện kiểm sát cấp huyện, thành phố. Toà án nhân dân hai cấp đã xây dựng mới và cải tạo, mở rộng trụ sở Toà án nhân dân tỉnh, trụ sở 11/11 toà án huyện, thành phố. Hiện đang đề nghị cấp đất để xây mới trụ sở tòa án khu vực theo đề án thành lập tòa án sơ thẩm cấp khu vực. Đối với ngành Công an, trụ sở làm việc của Công an tỉnh và 11 huyện, thành phố cơ bản khang trang, rộng rãi. Trụ sở làm việc của cơ quan thi hành án dân sự hai cấp cơ bản đáp ứng diện tích sử dụng. Các cơ quan tư pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, đặc biệt trong quản lý án hình sự, thống kê tội phạm...
Về cơ chế lãnh đạo của đảng với cơ quan tư pháp, Tỉnh ủy thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về sự lãnh đạo của đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên quán triệt những quan điểm, đường lối lãnh đạo đối với cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kịp thời chỉ đạo, cho ý kiến về những vụ việc phức tạp, nổi cộm được dư luận nhân dân quan tâm. Do đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của từng ngành. Chất lượng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, giam giữ, thi hành án đảm bảo không để xảy ra vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 733 - QĐ/TU, ngày 6-6-2013 thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang. Đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã đi vào hoạt động, bước đầu tham mưu tích cực cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Bài học kinh nghiệm rút ra qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị: coi trọng yếu tố con người, tuyển dụng cán bộ được đào tạo chính quy, là người địa phương, dân tộc thiểu số; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút cán bộ có trình độ và năng lực. Quan tâm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hiện tại thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn hoặc học tập trao đổi kinh nghiệm với địa phương khác. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác. Phối hợp trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan tư pháp và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chủ động phát hiện và phòng ngừa tốt vi phạm và tội phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Hoàng Phong
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang)