Mở rộng "nguồn" và đổi mới toàn diện cơ chế tuyển chọn thẩm phán
Hiện nay, toàn ngành tòa án có 4.957 thẩm phán, song so với chỉ tiêu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ, đội ngũ thẩm phán toàn ngành còn thiếu 1.198 người. Một số địa phương ở các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc rất thiếu nguồn cán bộ để tuyển dụng, trong khi chưa có các giải pháp thật hiệu quả để tạo nguồn cán bộ cho các Tòa án vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 80% các loại vụ án thuộc thẩm quyền của ngành Tòa án nhân dân lại thiếu đến 1.030 thẩm phán.
Bên cạnh đó, tuy 100% thẩm phán bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ cử nhân luật và thời gian làm công tác pháp luật nhưng mặt bằng đào tạo, kinh nghiệm và năng lực công tác của đội ngũ thẩm phán các cấp giữa các khu vực cũng không đồng đều đã tạo ra những tác động, ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả và chất lượng công tác của các tòa án địa phương; điển hình là tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn chưa giảm mạnh.
Các tân thẩm phán nhận Quyết định bổ nhiệm |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán vẫn còn rườm rà về thủ tục hồ sơ, nhất là thủ tục phải qua ý kiến của cấp ủy địa phương đối với việc đề nghị bổ nhiệm thẩm phán. Trong thực tế, đã có những trường hợp giữa cấp ủy địa phương và Hội đồng tuyển chọn thẩm phán chờ đợi ý kiến của nhau...
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng không nhỏ tới nhiệm vụ và quyền lợi của thẩm phán, đó là quy định nhiệm kỳ của thẩm phán là 5 năm. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định nhiệm kỳ này là hơi ngắn. Thẩm phán là một chức danh chuyên môn, đòi hỏi cần phải có thời gian để tích lũy kinh nghiệm, nếu quy định nhiệm kỳ ngắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các thẩm phán. Do đó, để bảo đảm nguyên tắc “độc lập của thẩm phán khi xét xử” cần phải đổi mới nhiệm kỳ của thẩm phán theo hướng kéo dài hơn hoặc không có nhiệm kỳ nhằm phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp.
Còn nhiều nguyên nhân khác như mức lương thấp, chưa có chế độ tiền lương và phụ cấp trách nhiệm đặc biệt, tương xứng với lao động của Thẩm phán;... để thu hút đội ngũ thẩm phán có trình độ, năng lực công tác trong ngành.
Thực tiễn đã chứng minh vai trò rất quan trọng, trung tâm của thẩm phán trong hoạt động xét xử, bởi nếu để tình trạng thẩm phán chất lượng kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chất lượng xét xử, tính nghiêm minh của pháp luật cũng như kèm theo những hệ lụy khác...
Do đó, để có được những thẩm phán thực sự có năng lực, cần mở rộng nguồn tuyển chọn thẩm phán, không chỉ từ đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp (chủ yếu hiện nay là đội ngũ thư ký tòa án và thẩm tra viên tòa án các cấp) mà còn “mở rộng nguồn” tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán từ các luật sư, luật gia và các chuyên gia về pháp luật.
Cùng với đó, việc đổi mới toàn diện cơ chế tuyển chọn thẩm phán theo hướng chuyển đổi hình thức tuyển chọn thẩm phán thông qua việc thi tuyển cấp quốc gia sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa những ứng cử viên cho chức danh thẩm phán. Đây cũng sẽ là điều kiện tốt cho việc điều động, luân chuyển thẩm phán, bảo đảm tốt hơn cho tính độc lập của tòa án, giảm bớt sự phụ thuộc của thẩm phán vào các thiết chế quyền lực nhà nước.
Mặt khác, theo các chuyên gia pháp luật, cần có chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương đặc thù bảo đảm cho thẩm phán và gia đình có thể sống đầy đủ bằng chính đồng lương, không bị phụ thuộc vào những tác động vật chất từ phía các cá nhân, tổ chức liên quan đến thực thi công vụ của họ.
Trong thời gian tới, ngành Tòa án sẽ tập trung tiến hành đổi mới cơ bản, nội dung, phương thức, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thi tuyển, quy hoạch đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp, coi đây là một khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực của ngành đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
T.H