Hưng Yên: Kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2013
Thứ Ba, 14/01/2014, 15:10 [GMT+7]
Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và Chương trình công tác năm 2013 của Bộ Tư pháp, ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND chỉ đạo Sở Tư pháp, các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác tư pháp.
Cán bộ, công chức Sở Tư pháp Hưng Yên |
Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực Tổ giúp việc xây dựng, tổ chức triển khai Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; trực tiếp tiếp nhận các ý kiến tham gia, tổng hợp góp ý, đảm bảo chất lượng, thời gian theo quy định. Tỉnh Hưng Yên đã nhận 115.000 ý kiến tham gia, trong đó có 7768 ý kiến bằng văn bản.
Công tác thẩm định Văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp. Sở Tư pháp đã thẩm định 23 dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật, tham gia ý kiến vào 66 dự thảo văn bản; 10 Phòng tư pháp huyện, thành phố đã thẩm định 125 dự thảo Văn bản. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản trái pháp luật giúp chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tại địa phương.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tăng cường và bước đầu phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các sở, ngành và 10 huyện, thành phố đã tổ chức 3.045 cuộc tuyên truyền với 204.660 lượt người. Tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Ngày pháp luật”, tuyên truyền, phổ biến kịp thời hàng trăm văn bản của Đảng và Nhà nước mới ban hành. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trọng tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung); Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Duy trì việc trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng và tuyên truyền các quy định về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Công tác trợ giúp pháp lý lưu động được đẩy mạnh, mở rộng mạng lưới các câu lạc bộ, Tổ và các Cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các huyện, xã. Đã tiến hành trợ giúp pháp lý 648 vụ việc cho 624 lượt người; 43 trường hợp được trợ giúp viên pháp lý và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại tòa.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã đảm bảo tính liên tục, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống các quy định về thủ tục hành chính và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phục vụ nhân dân.
UBND tỉnh Hưng Yên xác định nhiệm vụ và giải pháp công tác cải cách tư pháp năm 2014 của tỉnh như sau:
Chỉ đạo sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản, coi trọng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và công tác theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương; hoàn thiện và ban hành Nghị quyết quy định về mức chi đặc thù bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc công bố, công khai và niêm yết thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị.
Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch, Đề án như: Kế hoạch triển khai thực hiện Luật phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân…
Nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở; tăng cường trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, lưu động và mở rộng, nâng cao chất lượng câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại cơ sở…
Phát động phong trào thi đua trong ngành Tư pháp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải tiến lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
P.V
;