10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2014
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, công tác tư pháp năm 2013 đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội, Chính phủ, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, góp phần một bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện thành công các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định xã hội, tăng cường an sinh xã hội, đoàn kết cộng đồng dân cư.
Năm 2014, ngành Tư pháp đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Hiến pháp năm 2013; tham mưu cho Chính phủ rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
2. Tham mưu, giúp Quốc hội, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, nhất là các dự án luật liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển thị trường tài chính. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự và tư pháp hình sự, dân sự và tư pháp dân sự. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Xây dựng cơ chế bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật.
3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật. Tổ chức Ngày pháp luật có trọng tâm, trọng điểm. Đổi mới và từng bước chuyển hướng chiến lược trợ giúp pháp lý theo hướng tăng cường quản lý, tập trung nâng cao chất lượng và số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; sử dụng có hiệu quả quỹ trợ giúp pháp lý. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở.
4. Đẩy mạnh việc triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo các nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính. Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2011-2020.
5. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương".
6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Hộ tịch, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng. Triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
7. Triển khai hoàn thiện có hiệu quả các luật mới trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp; sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn giám định tư pháp trong từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, tài chính, ngân hàng, xây dựng. Hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả, vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp.
8. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự được Quốc hội giao theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác tư pháp; phấn đấu thi hành xong đạt trên 88 % về việc, trên 77 % về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án nói riêng và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng nói chung.
9. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, quản lý nhà nước của Bộ, ngành; kịp thời tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng định hướng, chiến lược hợp tác về pháp luật trong tình hình mới.
10. Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng trong đào tạo pháp luật, các chức danh tư pháp, tạo nguồn lực về pháp luật và tư pháp chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Triển khai có hiệu quả các Đề án xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp…
Thu Hằng