Thái Bình: Kết quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý III năm 2018

Thứ Tư, 03/10/2018, 16:55 [GMT+7]
    Quý III năm 2018, Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và việc thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 
 
    Đảng ủy Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác điều tra, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra 78 cơ sở kinh doanh có điều kiện và an ninh trật tự, xử lý hành chính 01 cơ sở, kiến nghị nhắc nhở 15 cơ sở đảm bảo các yêu cầu về an ninh trật tự. Điều tra, khám phá 197 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 78,2%, trọng án đạt 100%, khám phá nhanh 5 vụ giết người. Khởi tố mới 89 vụ, 249 bị can; xử lý hành chính 48 vụ, 175 đối tượng. Triệt phá 10 ổ nhóm tội phạm, bắt 25 đối tượng. Bắt, vận động đầu thú 16 đối tượng truy nã, trong đó có 01 đối tượng đặc biệt nguy hiểm, 03 đối tượng nguy hiểm, 12 đối tượng thường. Triệt xóa 02 đường dây, bắt 03 đối tượng vận chuyển ma túy từ tỉnh ngoài về Thái Bình tiêu thụ và 15 điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn tỉnh. Công tác điều tra xử lý án bảo đảm đúng quy định của pháp luật, chưa phát hiện oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 9 tháng năm 2018
Quang cảnh Hội nghị  giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý III năm 2018

 Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tiến độ giải quyết án hình sự được đẩy nhanh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Quý III năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 478 vụ/756 bị can (số mới 287 vụ/476 bị can); đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 238 vụ/369 bị can; đình chỉ điều tra 3 vụ/2 bị can; tạm đình chỉ điều tra 16 vụ/12 bị can; đang điều tra 221 vụ/373 bị can. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 243 vụ/388 bị can; đã truy tố 199  vụ/317 bị can; còn lại 44 vụ/77 bị can. Thụ lý kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự 289 vụ/505 bị cáo; đã kiểm sát xét xử 216 vụ/383 bị cáo, đình chỉ 1 vụ/1 bị cáo; đang giải quyết 72 vụ/121 bị cáo. Các vụ án đã xét xử, mức án Tòa án tuyên cơ bản phù hợp với quan điểm của Viện kiểm sát. Viện kiểm sát tỉnh thụ lý kiểm sát xét xử phúc thẩm 49 vụ/62 bị cáo (số mới 30 vụ/37 bị cáo); đã kiểm sát xét xử 25 vụ/32 bị cáo, đình chỉ 13 vụ/16 bị cáo; còn lại 11 vụ/14 bị cáo. Chủ động phối hợp với Toà án tổ chức 18 phiên tòa lưu động nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đã ban hành 26 kiến nghị, 03 kháng nghị yêu cầu các cơ quan chấn chỉnh, khắc phục vi phạm.

    Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các tòa, phòng thuộc Tòa án nhân dân tỉnh; tòa án nhân dân các huyện, Thành phố tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án theo quy định pháp luật; chất lượng xét xử được nâng lên, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, không có trường hợp nào xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc quyết định mức hình phạt đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi tội phạm. Quý III năm 2018, Tòa án hai cấp đã giải quyết 1.170 vụ, việc, đạt tỷ lệ 64,1%. Nhân dịp Quốc khánh 2-9, Tòa án nhân dân tỉnh đã xét miễn giảm thời gian chấp hành án cho 27 phạm nhân.

    Ban Chi ủy Cục Thi hành án Dân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thi hành xong 3.560 việc có điều kiện thi hành (đạt tỷ lệ 73,6%, tăng 1,07% so với cùng kỳ năm 2017); đình chỉ thi hành án 40 việc, hoãn thi hành án 2 việc, tạm hoãn thi hành án 6 việc. Giải quyết xong 62.694.349.000 đồng có điều kiện thi hành (đạt tỷ lệ 24,5%, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2017, thiếu 8,5 % so với chỉ tiêu giao). Thi hành án xong hoàn toàn 7 việc/80 việc phải thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng với số tiền 42.522.305.000 đồng; đình chỉ 1.690.022.000 đồng. Đã thi hành xong 1.443 việc phải thi hành (đạt 69,8%) và 9.049.229.000 đồng (đạt 56,7%) về án của người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án.

    Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính trong thời gian tới: (1) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Thường xuyên kiểm điểm rút kinh nghiệm, khắc phục dứt điểm, triệt để những nguyên nhân chủ quan để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự. (2) Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Chủ động rà soát các vấn đề nổi cộm, bức xúc mà người dân quan tâm. Khi có tình huống phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra thì địa phương chủ động xử lý; nguyên tắc chỉ đạo "việc xảy ra ở đâu, phải do cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị đó giải quyết là chính", tránh việc đùn đẩy lên cấp trên. Tăng cường công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các ngành, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh. (3) Duy trì và thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân; gắn việc tiếp công dân với giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; chấn chỉnh ngay thái độ làm việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp và công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. (4) Cấp ủy, người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giải quyết công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp trong công tác bắt, tạm giam, tạm giữ, điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tăng cường trách nhiệm công tố, không để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đổi mới, nâng cao chất lượng tranh tụng tại toà; kỹ năng, trình độ xét xử; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án bị huỷ, bị cải sửa. Đồng thời, tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt công tác công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. (5) Quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị. (6) Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch tự kiểm tra và xây dựng báo cáo kết quả tự kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về tự kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục nắm tình hình, tổng hợp, báo cáo thường xuyên về kết quả khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục nắm tình hình, tổng hợp báo cáo thường xuyên về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tham mưu việc theo dõi, phân loại và xử lý đơn thư cho Thường trực Tỉnh ủy. Tham mưu Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh: Thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018 theo Kế hoạch số 48-KH/BCĐ ngày 31-7-2018. Giám sát thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại các địa phương, đơn vị. Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. (7) Tổ giúp việc các huyện ủy, Thành ủy nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp ủy cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Làm tốt công tác giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Đôn đốc xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật.

                                                                                      Nguyễn Thị Khánh
                                                                   (Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)
.