Thái Bình: Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý II-2019

Thứ Năm, 04/04/2019, 11:23 [GMT+7]
    Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình vừa tổ chức Hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý I; triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II-2019. 
 
    Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, quý I-2019, Đảng ủy Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội và các biện pháp đấu tranh phòng ngừa các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Thực hiện có hiệu quả Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn"; đẩy mạnh đấu tranh với hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn. Tập trung đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam. Tỷ lệ điều tra khám phá đạt 76,9%; trong đó, khám phá nhanh 01 vụ giết người, 01 vụ cướp ngân hàng.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Viện kiểm sát nhân dân hai cấp chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đã thụ lý kiểm sát điều tra 432 vụ/739 bị can (số mới 248 vụ/496 bị can). Kiểm sát trong giai đoạn truy tố 287 vụ/463 bị can; đã truy tố 208 vụ/331 bị can, đình chỉ 01 vụ/01 bị can, tỷ lệ giải quyết án đạt 73%. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 261 vụ/426 bị cáo; phúc thẩm 38 vụ/48 bị cáo; đình chỉ xét xử phúc thẩm 13 vụ/15 bị cáo. Chủ động phối hợp với Toà án tổ chức 06 phiên tòa lưu động nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đã ban hành 01 kháng nghị, 41 kiến nghị yêu cầu các cơ quan chấn chỉnh, khắc phục vi phạm.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án theo quy định pháp luật; chất lượng xét xử được nâng lên, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, không có trường hợp nào xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc quyết định mức hình phạt đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi tội phạm. Quý I-2019, hệ thống Tòa án hai cấp đã giải quyết 672 vụ việc, đạt tỷ lệ 59,8%. Trong đó, án Hình sự giải quyết 160 vụ/247 bị cáo, đạt tỷ lệ 64%; án Dân sự giải quyết 31 vụ, đạt tỷ lệ 22%; án Hôn nhân và gia đình đã giải quyết 437  vụ, đạt 59%; án Kinh doanh thương mại, án Hành chính, án Lao động giải quyết 6 vụ, việc. Đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 352 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 100%.
 
    Ngành thi hành án dân sự thi hành xong 1.939 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 47,1% và 33.846 triệu đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 12,73%. 
 
    Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh biểu dương, ghi nhận kết quả đóng góp quan trọng của các ngành trong khối nội chính và Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính trong thời gian tới: (1) Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; các bộ luật mới liên quan đến công tác tư pháp; đặc biệt là Quy định số 11-Qđi/TW ngày 18-02-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09-11-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10-01-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. (2) Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; đề cao trách nhiệm của tập thể cấp ủy và người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. (3) Chủ động nắm tình hình tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhất là việc nắm bắt thông tin, tình hình tư tưởng của Nhân dân, công nhân, người lao động nhằm kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự; chỉ đạo không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận những bài viết có nội dung xấu, độc hại làm ảnh hưởng tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. (4) Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể kiểm tra, rà soát tình hình trên các địa bàn, lĩnh vực và những vấn đề mà số đông người dân quan tâm, những vấn đề tiềm ẩn bức xúc trong Nhân dân, công nhân, người lao động. Duy trì thực hiện tốt công tác tiếp công dân và tuân thủ các quy định về tiếp công dân; gắn việc tiếp công dân với giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo qui định của pháp luật; chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân. (5) Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp trong công tác bắt, tạm giam, tạm giữ, điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Tăng cường trách nhiệm công tố, không để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động liên ngành giữa các ngành trong khối nội chính với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án an ninh quốc gia, án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được dư luận quan tâm. (6) Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm ngay từ cơ sở. (7) Rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, coi trọng việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị nhất là công tác cán bộ, quản lý sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội, thủ tục hành chính… (8) Ban Nội chính Tỉnh ủy, tổ giúp việc các huyện ủy, Thành ủy nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp ủy cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Làm tốt công tác giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Đôn đốc xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)
.