Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước: Một số kinh nghiệm trong tham mưu, phối hợp, giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát

Thứ Tư, 17/07/2024, 17:55 [GMT+7]
    Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Phước đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; các nhóm nhiệm vụ đã được chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành và đạt theo Chương trình công tác đã đề ra; các mặt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường; Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đối với 04 vụ án, 02 vụ việc, kết quả: đã xét xử xong 03/04 vụ án, chuẩn bị xét xử 01/04 vụ án, khởi tố 01/02 vụ việc. Có 02 vụ án Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý xong và đã đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo.
 
    Kiểm tra, giám sát vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Lãnh đạo phải có kiểm tra, giám sát, lãnh đạo mà không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên, cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó, mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.
 
Hội nghị giao ban ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực điểm cầu tỉnh Bình Phước
Hội nghị giao ban ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực điểm cầu tỉnh Bình Phước
    Trong tình hình hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Phước xác định công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo đóng vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và là hoạt động phải được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Tại các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đã “Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát tập trung các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước.”Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo đã thành lập 03 Đoàn kiểm tra, giám sát đối với 12 cấp ủy, tổ chức đảng và 03 đảng viên là người đứng đầu các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị.
 
    Từ kết quả trên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước xin chia sẽ một số kinh nghiệm, cách làm trong tham mưu, phối hợp, giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại Bình Phước như sau:
 
    Thứ nhất, phải tranh thủ được sự ủng hộ, sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban 
 
    Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác này. Ở đâu có sự quan tâm ủng hộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thường trực Ban Chỉ đạo, của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo thì ở đó công tác kiểm tra, giám sát sẽ được quan tâm thực hiện thường xuyên, đầy đủ, kịp thời và đồng bộ.
 
    Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác này 
 
    Phải nhận thức được rằng qua công tác kiểm tra, giám sát không chỉ xem xét, đánh giá, kết luận về ưu, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên mà công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm; qua công tác kiểm tra, giám sát còn phát hiện sớm để phòng, ngừa ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. 
 
    Từ đó giúp từng cấp ủy, tổ chức đảng, từng đảng viên có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo nói riêng để từ đó chủ động, tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát tại cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương mình và trong việc phối hợp với  Ban Nội chính để tham mưu cho Ban Chỉ đạo về công tác này.
 
    Thứ ba, Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phải thật sự chủ động, công tác tham mưu phải thật sự bài bản, tuân thủ đúng nguyên tắc, đúng quy trình, quy định, chặt chẽ và chính xác
 
    Cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy phải có tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công tác. Chất lượng tham mưu, đề xuất, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát trong thực tiễn chính là một phần thước đo để đánh giá uy tín, năng lực của Ban Nội chính Tỉnh ủy, tạo vị thế trong công tác tham mưu và tạo niềm tin đối với Thường trực Ban Chỉ đạo và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo đối với công tác này.
 
    Thứ tư, để công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo đảm bảo đúng quy định; trước tiên phải tham mưu xây dựng được căn cứ pháp lý làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo
 
    Tại Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước, trên cơ sở nghiên cứu các quy định về công tác của Kiểm tra, giám sát của Đảng,  nhất là bám sát các Quy định kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã nghiên cứu, xây dựng chương trình, trình Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo dự thảo quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh.
 
    Trong quá trình tham mưu, trước khi trình Ban Chỉ đạo tỉnh ký ban hành, Ban Nội chính đã có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương. Do đó, khi dự thảo ban hành đảm bảo được thống nhất, đồng bộ, theo các quy định của Trung ương, tránh việc sửa đổi, bổ sung nhiều lần... 
 
    Thứ năm, để có nguồn thông tin, cơ sở cho việc tham mưu xây dựng Kế hoạch, Chương trình, nội dung về kiểm tra, giám sát... cho Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo thì cán bộ, công chức của Ban Nội chính phải thật sự nhạy bén, linh hoạt, kịp thời nắm nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau
 
    Để nắm bắt  kịp thời những vấn đề nổi lên, những lĩnh vực, địa bàn cần tập trung tham mưu đưa vào nội dung kiểm tra, giám sát. Đồng thời, phải căn cứ vào các định hướng lớn của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Chương trình làm việc, Chương trình Kiểm tra, giám sát, các Kết luận, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo để việc tham mưu sát với tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Có như vậy thì công tác kiểm tra, giám sát mới có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát và phát huy hiệu quả tích cực.
 
    Thứ sáu,làm tốt công tác nắm tình hình của các Thành viên Ban Chỉ đạo 
 
    Thực hiện tốt việc nắm tình hình của các thành viên Ban Chỉ đạo sẽ góp phần tích cực để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo nói chung và từng thành viên Ban Chỉ đạo nói riêng. Trong năm 2023, có 09/15 đồng chí Ban Chỉ đạo triển khai nắm tình hình tại 26 đơn vị được phân công phụ trách. Kết quả: Cơ bản các cấp ủy, tổ chức đảng đã triển khai thực hiện các quy định, kết luận, chỉ đạo về PCTNTC. Đồng thời, qua đó cũng đã kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa làm tốt triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
 
    Về phương pháp tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước: Ngay tại Chương trình làm việc đầu năm của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính đã tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo các Thành viên xây dựng kế hoạch công tác cá nhân và thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tăng cường công tác nắm tình hình tại các địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách. Để tạo sự thống nhất khi thực hiện nhiệm vụ này, Ban Nội chính đã chủ động xây dựng và gửi một số mẫu văn bản để các đồng chí Thành viên tham khảo, vận dụng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; qua đó đạt được hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
                                                                                               Nguyễn Hiên
.