Hà Nội: Tuyên án vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm ở bệnh viện
Chiều 7-3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trong 9 bị cáo, nguyên Trưởng Khoa xét nghiệm Vương Thị Kim Thành bị phạt mức án cao nhất là 12 tháng tù giam.
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trí Liêm bị cảnh cáo, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Thị Nhiên bị phạt 10 tháng cải tạo không giam giữ, cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
7 bị cáo còn lại cùng bị kết án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vương Thị Kim Thành (nguyên Trưởng Khoa xét nghiệm) bị phạt 12 tháng tù giam. Vương Thị Lan và Nguyễn Thị Xuyên, nhân viên Khoa xét nghiệm, bị phạt 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng. 4 bị cáo còn lại đều là kỹ thuật viên hợp đồng: Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn bị phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng.
Vụ án gây chấn động dư luận xã hội này bắt đầu từ ngày 5-6-2013 khi bà Hoàng Thị Nguyệt (nhân viên Khoa xét nghiệm) cùng một số nhân viên Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, tố cáo ông Liêm để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân, nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu khác để gắn trả cho nhiều người.
Các bị cáo tại Phiên tòa |
Qua điều tra, Cơ quan Công an xác định: Dù quy định của Bộ Y tế, của Bệnh viện đối với công tác tại Khoa xét nghiệm rất cụ thể nhưng trong quá trình điều hành, ông Liêm đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để tăng thu nhập cho bệnh viện (bệnh viện hưởng 30% số tiền bảo hiểm y tế). Số tiền này hàng quý được chia vào khoản hỗ trợ tăng thêm cho cán bộ, nhân viên bệnh viện.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ: Trong khoảng thời gian từ ngày 1-8-2012 đến 31-5-2013, có 7 bị cáo là Thành, Ngà, Trang, Nhung, Lan, Sơn, Xuyên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định. Cụ thể, các bị cáo đã làm xét nghiệm huyết học một mẫu bệnh phẩm (mẫu máu), sau đó in thành nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả kết quả cho các bệnh nhân, đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế với tổng số 789 kết quả xét nghiệm huyết học khống. Trong đó, Thành có 18 phiếu xét nghiệm huyết học khống, Ngà có 209 phiếu, Trang có 188 phiếu, Nhung có 161 phiếu, Lan có 132 phiếu, Sơn có 45 phiếu, Xuyên có 18 phiếu.
Hành vi này của các bị cáo đã bị Viện kiểm sát xác định là vi phạm Quy chế Bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức – Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội 16.569.000 đồng. Mặc dù thiệt hại về mặt tiền bảo hiểm xã hội không lớn, kết quả điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào việc điều trị, chưa xác định có bệnh nhân nào tổn hại về sức khỏe do sử dụng các kết quả xét nghiệm trùng, nhưng hành vi sai phạm của bị cáo Thành và các đồng phạm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế nói chung và Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức nói riêng, gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ y, bác sỹ, gây dư luận xấu trong xã hội.
Đối với Nguyễn Trí Liêm và Nguyễn Thị Nhiên, với vai trò là lãnh đạo của Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức trực tiếp phụ trách khoa xét nghiệm và ký duyệt các chứng từ, quyết toán với cơ quan Bảo hiểm y tế, Viện kiểm sát xác định 2 bị cáo này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã buông lỏng quản lý, không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao, không kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động của Khoa xét nghiệm hoặc kiểm tra nhưng không phát hiện ra những sai phạm có hệ thống, diễn ra trong thời gian dài tại Khoa xét nghiệm. Hai bị cáo này đã không phát hiện được hồ sơ không hợp lệ, không hợp pháp trong khi ký thanh toán và đã được Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức chi trả tiền bảo hiểm cho các phiếu xét nghiệm trùng, các xét nghiệm ký không đúng thẩm quyền, gây hậu quả và dư luận xấu trong xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân…
Hội đồng xét xử nhận định: Việc Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về các tội danh nói trên là có đầy đủ căn cứ pháp luật. Trong đó, bị cáo Liêm và Nhiên với vai trò là lãnh đạo bệnh viện, là người trực tiếp phụ trách khoa xét nghiệm, trực tiếp ký duyệt các chứng từ và quyết toán bảo hiểm y tế. Tại tòa, hai bị cáo Liêm và Nhiên đã không thừa nhận hành vi vi phạm. Tòa cho rằng đây chỉ là do nhận thức của 2 bị cáo. Trước vành móng ngựa, cả 2 bị cáo đều thừa nhận việc ký duyệt các chứng từ không do Trưởng Khoa xét nghiệm là không đúng quy định, thừa nhận có sai phạm tại Khoa xét nghiệm, việc không kiểm tra chữ ký tại các phiếu xét nghiệm là có sai sót … nhưng 2 bị cáo đã không uốn nắn, không nhắc nhở, buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát nhiệm vụ được giao, để xảy ra sai phạm, ảnh hưởng đến uy tín ngành y tế, làm ảnh hưởng đến lợi ích của cơ quan bảo hiểm xã hội. Vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 2 bị cáo này về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
Tòa cũng xem xét vai trò của bị cáo Nhiên trong vụ án này đã thiếu trách nhiệm để cán bộ cấp dưới vi phạm, nên bị cáo Nhiên phải chịu trách nhiệm cao hơn bị cáo Liêm. Vì vậy, chỉ cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Nhiên. Còn đối với bị cáo Liêm chỉ cần áp dụng hình phạt cảnh cáo là đủ tác dụng răn đe, giáo dục.
Đối với bị cáo Thành, nguyên là Trưởng Khoa xét nghiệm, theo quy định của Bộ Y tế, Thành phải kiểm tra và ký vào các phiếu xét nghiệm. Tuy nhiên, Thành đã không làm đúng chức trách được giao, tạo điều kiện cho các nhân viên ký khống vào các phiếu xét nghiệm, bản thân Thành cũng trực tiếp ký khống vào 18 phiếu xét nghiệm huyết học. Hội đồng xét xử xác định Thành là bị cáo chính trong vụ án, hoạt động tích cực, cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội một thời gian bằng hình phạt tù có thời hạn mới có tác dụng cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.
Các bị cáo còn lại mặc dù hiểu rõ quy định của ngành mà vẫn cố tình vi phạm, hành vi của các bị cáo cần phải áp dụng hình phạt tù. Song, xét các bị cáo đã khai nhận thành khẩn, nhân thân tốt, nên Tòa đã quyết định giảm nhẹ hình phạt xuống cho hưởng án treo, không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù giam.
Trong lời nói sau cùng trước Tòa, bị cáo Nguyễn Trí Liêm đã gửi lời xin lỗi đến nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thủ đô nói riêng, xin lỗi lãnh đạo các cấp, lãnh đạo Bộ Y tế. Bị cáo Liêm mong người dân và cán bộ ngành y tế tha thứ cho các bị cáo, mở lượng khoan hồng cho các bị cáo tiếp tục làm việc, cống hiến.
(Theo TTXVN)