Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015

Thứ Hai, 19/01/2015, 14:44 [GMT+7]
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Thành phố, chương trình công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố năm 2015. Theo đó, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản liên quan, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06-12-2012 của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hoàn thiện cơ chế chính sách, công khai minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và công tác cán bộ. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm.
Đẩy mạnh việc thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra năm 2010, kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (giai đoạn 2) của Ủy ban nhân dân Thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả theo quy định của Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đúng quy định.
Giao Thanh tra Thành phố tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chiến lược, chính sách, pháp luật, tài liệu về phòng, chống tham nhũng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất, có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ quản lý công nhân viên chức trong việc phòng, chống tham nhũng.
 
Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài
Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng,
phức tạp, kéo dài
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng của cán bộ quản lý, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động gây lãng phí, thất thoát kinh phí và tài sản nhà nước.
Triển khai công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, ngân sách khác (bao gồm cả thu, chi ngân sách, quản lý sử dụng nguồn vốn của các dự án, chương trình mục tiêu và các nguồn vốn, quỹ do nhân dân đóng góp, kinh phí cho các công trình, đề án…); mua sắm tài sản công, định giá, đấu giá, thanh lý tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu hành chính công. Chấn chỉnh các khoản thu không đúng quy định.
Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm .
Sở Tư pháp có trách nhiệm tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương và Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành, nhằm sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Đề án “Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế và cán bộ, công chức kiểm soát thủ tục hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2015”. Thực hiện có hiệu quả các Đề án, Quy hoạch, Chiến lược phát triển trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các lĩnh vực xã hội hóa.
Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý nhất là hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của Thành phố; cho các đối tượng là trẻ em, cho các em ở các mái ấm, nhà mở, người nghèo, đối tượng chính sách.
Đảm bảo công tác tiếp dân theo quy định của pháp luật; đảm bảo giải quyết 100% đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn và quy định của pháp luật; chuyển, trả đơn thư khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Bùi Hoàng
(Đại đoàn kết)
;
.