Thái Bình: Kết quả 2 năm thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Hai, 19/01/2015, 15:28 [GMT+7]
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) "về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Ban Thường vụ các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Thái Bình đã sơ kết, đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Kết luận số 21-KL/TW.
Kết quả cho thấy, 2 năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng Kết luận số 21-KL/TW, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 38-KH/TU của Ban Thường vụ, Kế hoạch số 11/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các văn bản pháp luật liên quan về phòng, chống tham nhũng. Đã gắn việc tuyên truyền các văn bản về phòng, chống tham nhũng với tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xác định đây là biện pháp cơ bản, quan trọng để đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực, xây dựng nét đẹp văn hoá công sở. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, xây dựng, bổ sung và thực hiện tốt quy chế làm việc, các quy chế, quy định về công tác Đảng, đưa việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và chế độ sinh hoạt đảng vào nền nếp; thực hiện nhiều biện pháp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Chú trọng quản lý, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên, gắn với đẩy mạnh có chiều sâu việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh". Vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của đảng viên được nâng cao.
Thái Bình đã chuyển đổi vị trí công tác 82 cán bộ, công chức, viên chức ở 23 đơn vị. Các cấp, các ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên. Đến nay, Thái Bình có 100% cơ quan hành chính và 99,5% đơn vị sự nghiệp được giao kinh phí ổn định; 92,5% cơ quan, đơn vị đã ban hành quy chế chi tiêu nội bộ; 1.615 đơn vị giao dịch tại các Kho bạc Nhà nước trong tỉnh, trong đó 1.153 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức tiêu chuẩn được chú trọng; các sở, ngành, địa phương tăng cường rà soát các chế độ, định mức, tiêu chuẩn thuộc phạm vi quản lý. Ngành tài chính và kho bạc phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các chế độ định mức, tiêu chuẩn, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. Các đơn vị dự toán, thụ hưởng ngân sách nhà nước thực hiện ngày càng nền nếp chế độ lập dự toán, quyết toán ngân sách và nguồn hỗ trợ. 
Ngành Thanh tra đã tiến hành 517 cuộc thanh tra tại 1.598 đơn vị, phát hiện sai phạm 59.303 triệu đồng, 1.605.687,3 m2 đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách là 44.405 triệu đồng, giảm trừ giá trị quyết toán 7.250 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 25.787,3 m2 đất. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố điều tra 4 vụ, 4 bị can; truy tố, xét xử 4 vụ, 4 bị cáo. Chất lượng thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng các hành vi vi phạm, không có trường hợp oan, sai. 
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế: Công tác cải cách hành chính ở một số địa phương, đơn vị đạt hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, khai thác, xử lý thông tin đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực còn hạn chế. 
Thời gian tới, Tỉnh ủy Thái Bình tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm tốt công tác xây dựng chỉnh đốn đảng; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. 
Bên cạnh đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí trong tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế, xã hội; chú trọng thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách, ngân hàng, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động quản lý nhà nước. Tiếp tục đổi mới, thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng các khâu trong công tác cán bộ. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó tập trung vào vào những lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực; phối hợp thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng.
                                         Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình)
;
.