Thừa Thiên Huế: Kết quả công tác phòng ngừa tham nhũng năm 2014

Thứ Hai, 05/01/2015, 11:06 [GMT+7]
Năm 2014, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), việc ban hành văn bản phục vụ công tác PCTN đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm và tích cực triển khai thực hiện. Đã ban hành mới 150 văn bản và sửa đổi 20 văn bản phục vụ công tác PCTN; phát hành 2.171 tài liệu, tờ rơi và tổ chức 110 lớp tuyên truyền với 11.194 cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân được phổ biến các văn bản pháp luật về PCTN.
Triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014, trong học kỳ II năm học 2013-2014 cũng như năm học 2014-2015, các cơ sở giáo dục, đào tạo của tỉnh đã tích hợp, lồng ghép nội dung PCTN vào chương trình dạy với thời lượng 02 tiết ngoại khóa (90 phút). Các trường Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh cũng triển khai lồng ghép nội dung PCTN vào môn Chính trị. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân tại các trường đã được tập huấn về việc giảng dạy nội dung PCTN.   
Điểm cầu Thừa Thiên Huế dự Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung)
Điểm cầu Thừa Thiên Huế dự Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn Luật phòng, chống tham nhũng
(sửa đổi, bổ sung)
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện công tác công khai, minh bạch gắn với cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực. Có 264 đơn vị được kiểm tra việc thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động, góp phần vào việc phòng ngừa tham nhũng phát sinh. 
Năm 2014, các đơn vị, địa phương đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công, giá giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy chế chi tiêu nội bộ... Đã ban hành mới 86 văn bản và sửa đổi, bổ sung 93 văn bản liên quan đến các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; các đơn vị thanh tra đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn tại các đơn vị, địa phương với 91 cuộc thanh tra hành chính và 5.012 cuộc kiểm tra chuyên ngành.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ ban hành và do cơ quan, đơn vị xây dựng, Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 24-12-2013 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đã có 92 đơn vị thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ công chức, viên chức. Có 01 trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý kỷ luật. 
Đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 263 cán bộ, công chức, viên chức để chủ động phòng ngừa tham nhũng. Các đối tượng được chuyển đổi vị trí công tác trong năm chủ yếu là Kế toán các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, cán bộ quản lý thị trường, cán bộ kiểm lâm, cán bộ y tế…
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tổ chức triển khai các quy định về kê khai minh bạch tài sản, thu nhập trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý với 08 Hội nghị tập huấn, 59 văn bản chỉ đạo được ban hành. Kết quả thực hiện năm 2013, tỷ lệ kê khai minh bạch tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh đạt 99,4 %. Việc công khai các Bản kê khai tài sản, thu nhập cũng đã được các địa phương, đơn vị tích cực thực hiện theo quy định. 
Công tác cải cách các thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong giao dịch hành chính, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng ngừa các hành vi tham nhũng. Các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Danh mục thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, bước đầu đem lại những kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức đến giao dịch. UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và ISO tại một số đơn vị, địa phương. Qua kiểm tra chấn chỉnh một số hạn chế như tỷ lệ cập nhật hồ sơ vào phần mềm quản lý hồ sơ một cửa còn thấp, việc thực hiện một số phần mềm dùng chung của tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến sự kết nối, liên thông số liệu, dữ liệu, chế độ báo cáo của đơn vị đối với tỉnh, dịch vụ công trực tuyến chưa được Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm… 
Các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách cũng như thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua Kho bạc Nhà nước các khoản chi từ nguồn ngân sách Nhà nước để kiểm soát, theo dõi, quản lý, đối chiếu theo quy định, hạn chế thấp nhất việc giao dịch bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Đến nay, 100% các đơn vị hành chính cấp tỉnh và đa số các đơn vị cấp huyện đã thực hiện việc trả lương cho cán bộ, công chức qua tài khoản.  Tuy nhiên, đối với các đơn vị ở cấp huyện, việc trả lương qua tài khoản còn gặp khó khăn do việc bố trí các máy ATM trên địa bàn cơ sở còn hạn chế, một số huyện có tỷ lệ số đơn vị trực thuộc đã thực hiện còn thấp…
Như Nguyên
(VOV)
;
.