Một số nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu

Thứ Ba, 03/02/2015, 14:51 [GMT+7]
Những năm qua, nhất là từ khi có Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đến nay, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của tỉnh Bạc Liêu có chuyển biến tích cực, đạt những kết quả quan trọng bước đầu, nhất là việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. 
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp, các hành vi tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi, nhưng việc phát hiện tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra còn ít. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một số ít cán bộ, đảng viên công chức, viên chức trong thi hành công vụ - nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính chậm được khắc phục. Một số lĩnh vực: quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách, tài sản công, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, cấp phép, thực hiện các chính sách xã hội… ở một số nơi quản lý chưa chặt, gây thất thoát, lãng phí,… làm ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn phát biểu tại buổi làm việc
Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Bạc Liêu
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua kết quả kiểm tra năm 2014, thời gian tới Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chỉ thị, kết luận, thông báo của Tỉnh ủy gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đề cao và phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự xem công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; song song với việc thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, đồng thời nghiêm túc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định và phù hợp với thực tế của địa phương, nhất là các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm như: quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, mua sắm tài sản… Thực hiện công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường…
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng cơ bản, từ lập hồ sơ, thẩm định, đấu thầu, mời thầu đến thi công các dự án phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, dự án đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, tránh tình trạng kéo dài làm lãng phí và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, biên chế theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Ngoài ra cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng - ngân hàng, nhất là đối với lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực (cho vay, bảo lãnh,…); đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai quy trình trong công tác cán bộ, từ khâu tuyển dụng, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm đến khen thưởng, kỷ luật.
Đẩy mạnh cải cách hành chính theo Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 17/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về triển khai nhiệm vụ công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015”; sửa đổi lề lối làm việc và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; cả việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định trong cán bộ, đảng viên nhằm ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác tự kiểm tra. Đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án đang thụ lý, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm đúng theo quy định của pháp luật. Tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, nhất là các vụ việc dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
                                                                                     Lê Quốc Việt
                                                                  (Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu)
;
.