Sóc Trăng: Chú trọng phát hiện hành vi tham nhũng qua thanh tra

Thứ Năm, 26/02/2015, 16:13 [GMT+7]
    Năm 2015, các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
    Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn từ năm 2012 đến 2016; Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 10/12/2014 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng giai đoạn từ nay - đến năm 2016; Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và một số văn bản có liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng. Các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, gắn với việc tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
 
 
Một Hội nghị triển khai, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Sóc Trăng
Một Hội nghị triển khai, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Sóc Trăng
    
    Ngành Thanh tra triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2015 đã được phê duyệt; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Gắn thanh tra theo kế hoạch với thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết thúc các cuộc thanh tra đã triển khai đảm bảo đúng thời hạn quy định của pháp luật, chính xác, khách quan; chú trọng phát hiện hành vi tham nhũng qua thanh tra.
 
    Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương thường xuyên cử cán bộ trực điện thoại đường dây nóng và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền để tiến hành thẩm tra, xác minh giải quyết kịp thời, đúng quy định; giám sát chặt chẽ tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo của công dân về tham nhũng, tiêu cực. 
 
    Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương về công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra và xét xử các hành vi tham nhũng. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ nhằm nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.
 
    Xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra và giải quyết tố cáo, kiên quyết công khai, minh bạch trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nhất là những vị trí nhạy cảm.
 
    Tăng cường sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận, doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể khác trong việc phát hiện hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.
Vũ Lan
(Báo Nhân dân)
;
.