Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng
Thứ Sáu, 27/02/2015, 14:49 [GMT+7]
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành trong công tác PCTN; xây dựng tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh; tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, nhân dân trong PCTN.
![]() |
Một cuộc họp tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế |
Theo đó yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng tại các đơn vị. Giám đốc các sở; Chủ tịch UBND các huyện,thị xã, thành phố Huế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc Tỉnh quán triệt và thực hiện nghiêm Luật PCTN; Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN nhằm phát hiện các hành vi tham nhũng, kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động để ngăn chặn có hiệu quả hành vi tham nhũng.
Theo Kế hoạch, Thanh tra các cấp, sở, ban, ngành tiến hành thanh tra theo kế hoạch công tác năm 2015 đã được phê duyệt, tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong quản lý và cơ chế chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, PCTN. Đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với Thủ trưởng các cấp, các ngành. Tăng cường công tác xử lý sau thanh tra; các kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý cần phải được đôn đốc thực hiện nghiêm hoặc kiểm tra xử lý kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị cố tình không thực hiện.
Các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.
Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng tồn đọng từ những năm trước chuyển sang…
Minh Tâm
(TTCP)
;