Đánh giá đúng hiện trạng để hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 25/12/2015, 14:33 [GMT+7]
    Đó là một trong nhiều nội dung chỉ đạo quan trọng của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc- Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị tổng kết công tác này do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24-12-2015. 
 
    Dự Hội nghị có Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Đặng Công Huẩn, Nguyễn Văn Thanh; lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo 10 tỉnh thành khu vực phía Nam và các Bộ, ngành.
 
    Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng do Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm trình bày, những kiến nghị của các đại biểu tham gia, tham luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chống tham nhũng là quá trình lâu dài, kiên định, quyết tâm cao. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Đánh giá cao hiệu quả toàn diện trong 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, là địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, có nhiều đặc thù, thực tiễn sinh động, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Phải cân đối giữa phát triển và quản lý để đánh giá đúng hiện trạng phòng, chống tham nhũng trong hàng loạt lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm. Hội nghị này được Ban Chỉ đạo chọn là mô hình điểm để đánh giá đúng tính khả thi khi áp dụng quy định pháp luật trong phòng, chống tham nhũng nhằm tổng kết, đánh giá, đề xuất, bổ sung và hoàn thiện thể chế với mục đích xử lý đúng người, đúng tội, từng bước nâng cao niềm tin của nhân dân. Thực tế cho thấy, dù có quyết tâm cao nhưng vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại TP. Hồ Chí Minh như: Công tác quản lý nhà nước của một số đơn vị, trên một số lĩnh vực còn chưa theo kịp, còn sơ hở, lỏng lẻo. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, có biện pháp chỉ đạo giải quyết tốt ngay từ cơ sở đối với đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng, chưa chủ động thực hiện kiểm tra, phòng, chống tham nhũng tại chính đơn vị mình, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên nên nhiều hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh chưa được phát hiện, khắc phục, xử lý triệt để. Đây là những bất cập cần được xem xét giải quyết theo cơ chế hợp lý trong quá trình Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh thực hiện 7 chương trình, 12 mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa X.
 
    Định hướng một số nhiệm vụ quan trọng mà UBND TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện nói riêng, cũng như lãnh đạo 10 tỉnh thành tham dự Hội nghị cần triển khai trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng: Bước đầu các địa phương đã thực hiện đúng Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Đây là Hội nghị có chất lượng cao với nhiều tham luận có nội dung bám sát thực tiễn, kiến nghị được nhiều giải pháp khả thi để đóng góp cho Ban Chỉ đạo trong quá trình sửa đổi quy định pháp luật trong phòng, chống tham nhũng. Những nội dung đa dạng và hình thức tổ chức này cần được lãnh đạo 10 tỉnh thành phía Nam nghiên cứu để vận dụng trong thực hiện việc tổng kết hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở hai cấp, trong đó chú ý đến bài học kinh nghiệm, kiến nghị về cơ chế, chính sách, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, giải pháp bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng, cũng như nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng… 
 
    Tại Hội nghị, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể có  nhiều thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng từ tháng 6-2006 đến tháng 8-2015.
Giang Nhật 
(Báo Thanh tra)
;
.