Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi nhiều vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng
Thứ Hai, 28/12/2015, 11:29 [GMT+7]
Thực hiện Kế hoạch số 22/KH-UBND, ngày 10-02-2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015, các đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch PCTN năm 2015 của cơ quan, đơn vị mình.
Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 19-01-2015 về triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp Luật PCTN, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng cho cán bộ, công chức và nhân dân” năm 2015, các đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản về PCTN, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03-01-2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 21-02-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản và Chương trình công tác trọng tâm năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng.
Năm 2015, các đơn vị, địa phương đã ban hành mới 89 văn bản và sửa đổi 18 văn bản phục vụ công tác PCTN; phát hành 3.378 tài liệu và tổ chức 521 lớp tuyên truyền các văn bản pháp luật về PCTN với 21.629 cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân tham gia.
![]() |
Thanh tra Chính phủ làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế về thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo |
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện công tác công khai, minh bạch gắn với cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực giao dịch hành chính, quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, tuyển dụng công chức, viên chức,...trong đó, chú trọng đến các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo những nội dung được quy định tại Luật PCTN sửa đổi, bổ sung và các thủ tục hành chính liên quan chức năng, thẩm quyền của đơn vị. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước và giám sát việc thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị cũng tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức để công khai tình hình quản lý, sử dụng kinh phí và việc thực hiện các chế độ, chính sách. Đã có 182 cơ quan được kiểm tra việc thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động, góp phần vào việc phòng ngừa phát sinh tham nhũng.
Việc tuyển dụng, quản lý, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện có nền nếp, công khai và phát huy được tính chủ động của các cơ quan, đơn vị. Việc xét tuyển viên chức sự nghiệp cũng đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện theo quy trình, bảo đảm công khai, minh bạch.
Các cấp, các ngành đã ban hành mới 17 văn bản và sửa đổi, bổ sung 22 văn bản liên quan đến các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 69 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn… Trong đó, đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công, giá giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Năm 2015, các đơn vị, địa phương chuyển đổi vị trí công tác đối với 103 cán bộ, công chức, viên chức để chủ động phòng ngừa tham nhũng. Đã tổ chức kê khai minh bạch tài sản, thu nhập năm 2014 với kết quả đạt 99,97%. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập năm 2014 và đã ban hành Kết luận số 271/KL-UBND ngày 19-10-2015 về việc thực hiện công tác kê khai, công khai minh bạch tài sản, thu nhập năm 2014. Thông qua công tác kiểm tra đã chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, giải đáp những vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Danh mục thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông bước đầu đem lại những kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức đến giao dịch. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tiếp tục triển khai 05 phần mềm dùng chung tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 ở các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị xã, thành phố; tiến tới xây dựng ISO online trên địa bàn tỉnh. 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã được triển khai hệ thống thư điện tử và 100% cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử để trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công việc. Duy trì hoạt động hệ thống website ở 21/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh nhằm cung cấp thông tin, công khai các quy trình, thủ tục hành chính. Bảo đảm cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, cấp tỉnh cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 trở lên.
Việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý đầu tư, xây dựng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Để tăng cường công tác quyết toán vốn đầu dư dự án hoàn thành và xử lý triệt để các vi phạm trong công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 01-4-2014 về việc đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, phòng ngừa tham nhũng phát sinh. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015 đã phát hiện 02 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Hương Trà đã truy tố 01 vụ/01 bị can về tội và “Tham ô tài sản” và Tòa án nhân dân thị xã Hương Trà đang thụ lý 01 vụ/02 bị can. Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử 01 vụ/01 bị can với mức án 09 năm tù và bồi thường số tiền trên 292 triệu đồng.
Cũng trong năm 2015, Thanh tra các cấp, các ngành đã tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN tại 60 đơn vị, chủ yếu lồng ghép vào các cuộc thanh tra về tài chính, ngân sách. Thông qua các cuộc thanh, kiểm tra đã chỉ ra những kết quả đạt được, chấn chỉnh và xử lý những tồn tại, hạn chế, vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, qua thanh tra đã hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định.
Để tăng cường phát huy vai trò của xã hội trong công tác PCTN, đã chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương xây dựng chuyên mục tuyên truyền hàng tuần về công tác cải cách thủ tục hành chính, thông tin văn bản quy định về PCTN; đưa tin kịp thời các vụ việc tham nhũng ở địa phương. Đặc biệt, các Chuyên đề, Chuyên mục như “Với khán giả truyền hình”, “Trả lời thư bạn nghe Đài” hoặc nhiều phóng sự điều tra theo đơn thư của khán giả đã kịp thời giới thiệu, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…,từ đó đã góp phần thực hiện tốt công tác PCTN của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác PCTN của tỉnh Thừa Thiên Huế còn một số hạn chế như: công tác phòng ngừa, công khai minh bạch trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như đầu tư xây dựng, quản lý đất, bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tổ chức cán bộ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tín dụng Ngân hàng... ở một số nơi chưa thực hiện tốt; công tác giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước chưa phát huy hiệu quả; công tác thanh tra, tự kiểm tra trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị để phát hiện hành vi tham nhũng còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức trong giao dịch hành chính vẫn còn; việc thực hiện chế độ báo cáo về PCTN của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc, không đầy đủ gây khó khăn cho công tác tổng hợp và đánh giá thực trạng tình hình về tham nhũng...
Nguyễn Tâm
(TTCP)
;