Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Kết quả 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
Chủ Nhật, 17/01/2016, 07:18 [GMT+7]
Sau khi Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan; gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”... Bộ đã tổ chức 08 Hội nghị phổ biến, tập huấn, triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho lãnh đạo các Cục, Vụ, Trung tâm thuộc Bộ. Các đơn vị thuộc Bộ cũng đã tổ chức 464 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng cho hơn 80.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học viên tại các đơn vị, các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề thuộc Bộ bằng nhiều hình thức; phát hành hơn 450 đầu sách, tài liệu về pháp luật phòng, chống tham nhũng... Hàng năm, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Năm 2006, Bộ đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng chương trình thanh, kiểm tra hoạt động của các đơn vị trực thuộc Bộ...
![]() |
Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng |
Quan tâm thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh việc minh bạch trong các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, quản lý ngân sách, tài sản nhà nước; mua sắm công và xây dựng cơ bản; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động gắn với cải cách thủ tục hành chính; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công để phòng ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Hàng năm, Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Kết quả, đến hết tháng 3-2015 có 63/63 đơn vị đã thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỷ lệ 100%. Số cá nhân kê khai và được công khai đạt tỷ lệ 100%. Giai đoạn 2006-2015, chưa có cá nhân nào thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ phải giải trình về việc kê khai tài sản, thu nhập. Chưa xảy ra tình trạng sử dụng tài sản công hoặc tặng quà, nhận quà tặng không đúng quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức còn gặp khó khăn do số vị trí, chức danh cần chuyển đổi tương đối lớn. Việc triển khai chương trình giáo dục, đào tạo về phòng, chống tham nhũng trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn hạn chế do đội ngũ giáo viên chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức chuyên sâu về nội dung này; tài liệu tham khảo để giảng dạy, học tập về phòng, chống tham nhũng hiện chưa đáp ứng chương trình đào tạo, nhất là tài liệu phản ánh về thực trạng tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng và các vụ tham nhũng điển hình đã được phát hiện và xử lý theo theo quy định của pháp luật...
Lê Hiếu
(VOV)
;