Đà Nẵng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Thứ Sáu, 15/01/2016, 14:30 [GMT+7]
Những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thành phố Đà Nẵng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong toàn hệ thống chính trị và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong việc công khai, minh bạch, quản lý tài sản công, cải cách thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Việc triển khai các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa quyết liệt và đi vào thực chất, có lúc, có nơi còn hình thức, vai trò của tổ chức cơ sở đảng chưa được thể hiện rõ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt hiệu quả, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Lãnh đạo ở một số ngành, địa phương chưa sâu sát trong quản lý cán bộ; một số ngành, lĩnh vực còn để xảy ra sai phạm nhưng chậm khắc phục, xử lý chưa nghiêm, việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa quyết liệt; việc quản lý, sử dụng ngân sách, lao động, tài sản của nhà nước, quản lý dự án đầu tư… còn hạn chế, bất cập, chưa tiết kiệm, việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2015 |
Để khắc phục những hạn chế, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Đưa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt trên công tác này; thường xuyên quán triệt nhằm nâng cao nhận thức trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tập trung vào những chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03-01-2014 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố; nội dung “5 xây”, “3 chống” theo Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, xác định đây là nội dung kiểm điểm theo định kỳ của cấp ủy các cấp, là tiêu chí để đánh giá, phân loại hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu. Trong các cuộc họp và báo cáo định kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng phải có nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; xây dựng quy định cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức chủ động kiểm tra, xác minh kết quả kê khai tài sản, thu nhập đối với những người thuộc quyền quản lý. Tập trung nghiên cứu hoàn thiện các quy định về quản lý, kiểm soát việc thu, chi ngân sách; chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công. Xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, không để vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở bất cứ mức độ nào mà không được xử lý.
Đối với các vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn, ngay sau khi khởi tố các cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động báo cáo cấp ủy để cho chủ trương xử lý, đảm bảo khẩn trương, đúng quy định của pháp luật. Đối với các thông tin về dấu hiệu tham nhũng có liên quan đến cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp uỷ quản lý, các cơ quan nắm thông tin báo cáo ngay cho thường trực cấp uỷ cấp đó xin chủ trương xử lý. Nghiêm cấm và có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên có hành vi can thiệp vào quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí dưới bất cứ hình thức nào. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hạn chế tối đa việc cho bị can tại ngoại trong quá trình điều tra hành vi tham nhũng và việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc xử dưới khung hình phạt khi không có tình tiết giảm nhẹ hoặc khi dư luận không đồng thuận đối với đối tượng phạm tội tham nhũng...
Giao Ban Nội chính Thành uỷ tích cực, chủ động tham mưu Thành uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Thành uỷ về chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản” trong toàn Đảng bộ; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát các trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có con đi học nước ngoài bằng kinh phí tự túc, có nhiều nhà, đất, tài sản hoặc giàu lên bất thường, có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thực hoặc có dư luận về tham nhũng để có yêu cầu giải trình trong trường hợp cần thiết; tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội các địa phương, đơn vị định kỳ hằng năm và các cuộc thanh tra có dấu hiệu bất thường hoặc khi có yêu cầu của Thường trực Thành ủy.
Huỳnh Văn Thắng
(Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng)
;