Đắk Lắk: Kết quả 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 26/01/2016, 13:39 [GMT+7]
    Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của tỉnh Đắk Lắk có chuyển biến tích cực; các cấp, ngành đã phát hiện số tiền thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra là 41.461 triệu đồng và 40.670 m2 đất, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, thu hồi 21.750 triệu đồng, 38.270 m2 đất tài sản tham nhũng.
 
    Các cấp, các ngành đã tổ chức 10.501 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho 1.856.498 lượt cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; phát hành 39.921 đầu sách, tài liệu và 1.393.700 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật; 10.135 cuốn tài liệu chuyên đề Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, Đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng đã được nâng lên rõ rệt. 
 
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk
    Cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng được thực hiện khá toàn diện và đồng bộ. Các nội dung cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” được thực hiện hầu hết các đơn vị. Đến nay đã có 22 cơ quan cấp tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, 15/15 huyện, thị xã, thành phố, thị xã và 184/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện theo cơ chế này.
 
    Việc công khai, minh bạch trong tuyển dụng và bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ và luân chuyển vị trí công tác cũng là kênh hiệu quả để phòng, chống tham nhũng. Toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 4.785 cán bộ, công chức.
 
    Đối với công tác xây dựng và thực hiện chế độ, định mức tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công, đến nay đã có 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công trong việc thực hiện cơ chế tự chủ. Hầu hết các đơn vị đã tiến hành trả lương qua tài khoản, hạn chế tiêu dùng tiền mặt và thực hiên kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Đưa các giải pháp đổi mới công nghệ quản lý bằng việc áp dụng sử dụng hệ thống thư điện tử và hệ thống điều hành trực tuyến OMS, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 ở 100% cơ quan, đơn vị.
 
    Hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra và kiểm tra trách nhiệm thực hiện công tác này cũng được các cấp có thẩm quyền tham gia tích cực. Qua 10 năm triển khai Luật phòng, chống tham nhũng, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai 469 cuộc thanh, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại 497 đơn vị. Thời gian qua, riêng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân và các Ban của HĐND tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện công tác giám sát tại các cơ sở và tổ chức 26 đợt giám sát tại địa phương. Từ đó tạo được mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, kịp thời phát hiện những vướng mắc để đề xuất các giải pháp tháo gỡ, qua đó đã tác động tích cực trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tại địa phương.
 
    Công tác phối hợp, triển khai của các cơ quan có liên quan trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng được triển khai hiệu quả giữa các đơn vị. Năm 2012, Viện kiểm soát, Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Thanh tra, Cục thuế, Chi cục Quản lý thị trường đã ban hành Quy chế phối hợp công tác tiếp nhận quản lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Qua nhiều năm triển khai, các cơ quan chức năng đã phát huy trách nhiệm và góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng và xử lý vụ việc.
Thy Lan
(Báo Nhân dân)
;
.