Công tác phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ Sáu, 12/02/2016, 01:04 [GMT+7]

Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng luôn được các nhà trường, các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chú trọng, nhờ đó đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên được tiếp thu các kiến thức về pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (Chỉ thị số 10/CT-TTg), trong năm học 2014-2015 các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung phòng, chống tham nhũng trong các trường học.

Một lễ khai giảng lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
Một lễ khai giảng lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình

Các trường chủ động sắp xếp, bố trí, bổ sung đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm tốt giảng dạy các nội dung phòng, chống tham nhũng của đơn vị phù hợp với từng cấp học, đáp ứng yêu cầu về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đã xây dựng, bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu với tổng số 52 người, 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giảng dạy về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở trương trình, tài liệu giảng dạy được phê duyệt, các cơ sở giáo dục đào tạo trong tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, xây dựng giáo án, tổ chức giảng dạy cho phù hợp với từng cấp học, bậc học. Cụ thể:

Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình chỉ đạo đội ngũ giảng viên lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính, Chuyên viên, Chuyên viên chính và lớp lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã trong các bài giảng thích hợp; Trường Đại học Hoa Lư đưa nội dung phòng, chống tham nhũng tích hợp trong học phần Pháp luật đại cương với thời gian giảng dạy trên lớp là 5 tiết; các trường Trung cấp chuyên nghiệp đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy với thời lượng 4 tiết trong môn học pháp luật đại cương; các trường Trung học phổ thông giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng tích hợp, lồng ghép vào môn Giáo dục công dân với thời lượng tương đương 6 tiết được phân bổ trong 3 năm học (từ lớp 10 đến lớp 12), trong đó mỗi năm giảng dạy 02 tiết. Tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận nội dung giảng dạy về phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo chất lượng giờ trên lớp. Đồng thời, đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào hoạt động ngoại khóa như: lồng ghéo vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các tiểu phẩm, giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt tập thể, báo cáo chuyên đề, xây dựng mục phòng, chống tham nhũng trên các bản tin nội bộ của trường, tham gia cuộc thi Tìm hiều pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Trong quá trình soạn thảo tài liệu, giáo án, các giáo viên, giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy đã bám sát các yêu cầu, nội dung về phòng, chống tham nhũng của từng cấp học để truyền tải các kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng tới từng đối tượng phù hợp. Đối với cấp học THPT, bước đầu đã trang bị kiến thức về phòng, chống tham nhũng, nguyên nhân, tác hại của tham nhũng, hình thành thái độ, ứng xử của học sinh đối với hành vi tham nhũng; các cơ sở giáo dục đào tạo đã trang bị kiến thức cơ bản, nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm của từng công dân, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng.

Đội ngũ, giáo viên, giảng viên được phân công giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng luôn chủ động cập nhật kiến thức, tư liệu, tài liệu tham khảo, đưa ra các tình huống cụ thể để nâng cao chất lượng bài giảng. Tại thư viện của các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo đều được trang bị đầy đủ sách tham khảo về Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật liên quan phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập về công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện, các trường cũng đã quan tâm, chú trọng đến công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy. Qua đó tổ chức rút kinh nghiệm từ thực tiễn bài giảng để điều chỉnh nội dung giảng dạy pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên đề, kết hợp với thanh tra chuyên ngành các cơ sở giáo dục trực thuộc tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng tại các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp. Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 27 đơn vị trên địa bàn tỉnh; thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng trong nhà trường. Năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và đánh giá là đơn vị thực hiện tốt việc triển khai Chỉ thị 10/CT-TTg.

Việc đưa nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với các cơ sở giáo dục đào tạo đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bài trừ tệ nạn tham nhũng trong các trường học và cơ sở giáo dục đào tạo; trang bị kỹ năng đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, giúp cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia, hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các nhà trường và các cơ sở giáo dục đào tạo, thời gian tới rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh, sự nhìn nhận đúng đắn về lợi ích của việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, từ đó đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả.

Đoàn Thị Ngọc Hải

(Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình)

;
.