Đẩy mạnh chống tham nhũng nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ Sáu, 26/02/2016, 15:26 [GMT+7]

Nhật Bản (thông qua tổ chức JICA), Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót ở Việt Nam liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu ở không ít xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Chẳng hạn, vụ đưa hối lộ của Công ty JTC và vụ Đại lộ Đông - Tây; hoặc các phát hiện của phía Hàn Quốc về tham nhũng và đút lót của Tập đoàn POSCO trong quá trình tham gia đấu thầu ở Việt Nam; hoặc Ngân hàng Thế giới đã ra thông báo cấm không cho tập đoàn Louis Berger Group (LBG) của Mỹ tham gia đấu thầu một năm do có tham nhũng ở hai dự án ở Việt Nam…

Theo một báo cáo về tổn thất tham nhũng ở Việt Nam được công bố năm 2014 dựa trên điều tra doanh nghiệp cho thấy những tổn thất nhiều mặt tới nền kinh tế, doanh nghiệp mà tham nhũng gây ra. Theo TS Lê Đăng Doanh, nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong báo cáo này cho thấy rằng nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn và do đó nếu các doanh nghiệp giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức, thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm. Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng, đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm sẽ tăng tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%. Như vậy, tham nhũng tác động đáng kể đến động lực đầu tư tư nhân, tạo việc làm và thu nhập của doanh nghiệp.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng  trong khi thực hiện Dự án đường sắt Đô thị Hà Nội
Phiên tòa sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng trong khi thực hiện Dự án đường sắt Đô thị Hà Nội

Mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng tham nhũng mang lại cho họ những lợi ích “giao dịch” tức thời, nhưng trên thực tế tham nhũng lại làm tổn hại đến khả năng chiến lược của họ. Việc thực hiện các hành vi tham nhũng phá hủy văn hóa liêm chính của doanh nghiệp, cản trở đổi mới, hạn chế mở rộng, và gây rủi ro cho danh tiếng của họ. Hầu hết các tác động tiêu cực lâu dài của tham nhũng ở dạng ẩn và doanh nghiệp rất hiếm khi nhận thức và thừa nhận những tác động này. Thực tế cho thấy, việc chi trả các khoản không chính thức làm gia tăng chi phí. Tham nhũng cũng tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp, vì khi khoản chi phí không chính thức phải trả càng nhiều, thì mức độ không hiệu quả tạo ra càng cao. Hơn nữa, hối lộ và tham nhũng không phải lúc nào cũng cho kết quả mong đợi. Một doanh nghiệp chi trả khoản phí không chính thức không phải lúc nào cũng giúp giảm thời gian phải làm việc với cán bộ chức trách như nhiều doanh nghiệp đã lầm tưởng. Thay vào đó, chi phí không chính thức làm gia tăng số lần và thời lượng của mỗi lần thanh, kiểm tra.

Rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng tham gia vào tham nhũng do họ coi đó là một phần của “luật chơi”, chính vì vậy việc phá vỡ xu hướng này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh và nền kinh tế. Việc làm này đòi hỏi phải có sự chung sức từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền để có thể tạo ra được những khích lệ và hình phạt đúng đắn nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. Có thể nói rằng nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện một cách cơ bản.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cần xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý; kiên quyết thu hồi tiền, tài sản bị tham nhũng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở để góp phần phòng ngừa tham nhũng. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ "lợi ích nhóm"; chống đặc quyền, đặc lợi; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

                                                                                               Đ.H

                                                                             (Báo Điện tử Đảng CSVN)

;
.