Kết quả 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng của tỉnh Hà Nam
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Hà Nam được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị trong các lĩnh vực: Tài chính, xây dựng cơ bản, sử dụng đất đai, tổ chức cán bộ, quản lý tài nguyên, khoáng sản...
Công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng được các cơ quan, đơn vị quan tâm xây dựng kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện; công tác tổ chức kê khai, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
![]() |
Một cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam |
Các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; ngành tư pháp tích cực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 1.509 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách 33 tỷ đồng và 395.053m2 đất, giảm quyết toán 17 tỷ đồng, xử phạt 14 tỷ đồng, các xử lý khác 30 tỷ đồng.
Ngành Thanh tra tỉnh cũng đã thực hiện 551 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 1.938 đơn vị. Kết quả thanh tra cho thấy các đơn vị cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trong 10 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác điều tra, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 20 vụ án tham nhũng; hành vi tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tài chính ngân sách, thực hiện chính sách xã hội; đối tượng vi phạm chủ yếu là cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã xử lý kỷ luật 615 cán bộ, đảng viên với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, khai trừ, trong đó 55 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng hoặc có liên quan đến tham nhũng.
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật cho thấy, hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng còn nhiều bất cập, sơ hở; một số quy định thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng khi áp dụng gặp khó khăn, chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính khả thi, cụ thể là kê khai, minh bạch tài sản thu nhập, trả lương qua tài khoản, chuyển đổi vị trí công tác… Một số quy định liên quan đến việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc; một số trường hợp, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất việc nhận thức cụ thể đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ, dẫn đến gặp khó khăn trong điều tra, xác minh, xử lý các hành vi tham nhũng, còn vụ việc để kéo dài… Mô hình tổ chức các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng chưa hợp lý, chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng; hoạt động chồng chéo… dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị toàn tỉnh; đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện các nội dung, giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp để bảo đảm tính khả thi trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo ngành dọc giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khắc phục biểu hiện hình thức, lúng túng.
Duy Phương