Ngân hàng Nhà nước: Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng
Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm triển khai thực hiện tốt Luật phòng, chống tham nhũng và coi đây một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Trong 10 năm qua, song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thực hiện chính sách tiền tệ và quản lý nhà nước đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, khẩn trương, nghiêm túc tổ chức thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và đạt được kết quả quan trọng trên một số nội dung hoạt động của Ngành.
Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và các quyết định, Nghị quyết của Chính phủ; Quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án của Ngân hàng Nhà nước, trong 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, thiết thực trên các tất cả các mặt công tác, quản lý, hoạt động ngân hàng, đưa công tác phòng, chống tham nhũng đi vào thực tế hoạt động tại từng đơn vị, Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, góp phần xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống ngân hàng an toàn, bền vững.
![]() |
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước |
Thực hiện Quyết định số 98/QĐ-BCĐTKLPCTN ngày 13-8-2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, các đơn vị, Vụ, Cục, các tổ chức tín dụng trong toàn Ngành đã chủ động, tích cực triển khai thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết, xây dựng kế hoạch tổng kết và có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống thực hiện tổng kết, báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Thực hiện tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền; xây dựng mô hình tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng và quy chế phối hợp công tác của các cơ quan phòng, chống tham nhũng trong toàn ngành Ngân hàng.
Chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung ở các nội dung như: Công tác cải cách hành chính; thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; công khai, minh bạch trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động đấu thầu; xây dựng và thực hiện chế độ định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp... nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn ngành.
Mỹ Hương