Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Giải quyết khiếu nại, tố cáo là kênh quan trọng để phát hiện tham nhũng
Thứ Năm, 18/02/2016, 13:27 [GMT+7]
Báo cáo từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2015, Tập đoàn tổ chức thanh, kiểm tra tại 26 đơn vị với 13 nội dung. 10/13 nội dung tập trung vào việc triển khai, thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng của Nhà nước, của Bộ Công Thương, của Tập đoàn như: Công khai, minh bạch trong hoạt động mua sắm công, xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; quản lý đất đai, tài sản công; công tác tổ chức cán bộ; việc người đứng đầu định kỳ kiểm điểm trách nhiệm trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị; việc xử lý tin báo, giải quyết tố cáo về dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; việc xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng...
![]() |
Hoạt động sản xuất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam |
Qua 26 cuộc thanh tra, kiểm tra không phát hiện sai phạm. Ông Phạm Duy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn khẳng định, việc thanh tra, kiểm tra đã góp phần hạn chế các sai sót trong quản lý và điều hành, ngăn chặn và cảnh báo các hiện tượng vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Tập đoàn. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, năm 2016, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được Tập đoàn và các đơn vị thành viên tập trung giải quyết, coi đây là một kênh thông tin quan trọng để phát hiện và phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh tham nhũng và các sai phạm trong tổ chức lao động và điều hành sản xuất kinh doanh.
Đan Quế
(Báo Thanh tra)
;