Hà Nội: Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 16/03/2016, 11:03 [GMT+7]

Ngày 15-3-2016, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện, có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Công tác phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ, từng bước xây dựng và hoàn thiện thể chế; đổi mới trong tổ chức, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN; tăng cường công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được tăng cường; mở rộng giám sát của các cơ quan dân cử, Ủy ban MTTQ các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan báo chí và tăng cường trách nhiệm giải trình...  Các vụ việc, vụ án có liên quan đến tham nhũng được quan tâm chỉ đạo xử lý nghiêm, kịp thời. 

Trong 10 năm qua, Hà Nội đã chuyển đổi công tác hơn 3.100 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng, xử lý 9 trường hợp về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình quản lý. Triển khai 3.101 cuộc thanh tra; phát hiện sai phạm 2.542 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.415 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1.127 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý 2.439 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển Cơ quan điều tra 38 vụ. Ngoài ra, đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập và kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn hạn chế như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức; trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung để khắc phục sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua; chỉ ra tình trạng tham nhũng ở Thủ đô còn khá nghiêm trọng, trong đó nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân vẫn đang diễn ra. Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực này, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp PCTN, tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Về các giải pháp cụ thể Phó Thủ tướng đề nghị:

Trước hết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát lại và hoàn thiện hệ thống thể chế để làm sao không có hoặc ít tạo kẽ hở cho tham nhũng, từ đó, sẽ giảm được tham nhũng. Về công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng phải kiên trì triển khai đến từng cán bộ, công chức viên chức, các tầng lớp nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh chính quyền điện tử, công dân điện tử, đặc biệt, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật luật hành chính. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: muốn chống tham nhũng thì bản thân bộ máy hành chính phải siết chặt kỷ cương. Cán bộ nào không đáp ứng được công việc, quan liêu cửa quyền thì phải thay thế ngay, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy hành chính nhà nước.

Tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, tố tụng của các cơ quan chống tham nhũng, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan đoàn thể, mặt trận tổ quốc, báo chí và các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trao bằng khen cho 9 tập thể
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trao bằng khen cho 9 tập thể

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tưởng Chính phủ; yêu cầu các ngành, các cấp, đơn vị trực thuộc UBND thành phố quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện các nhiệm vụ về PCTN theo chức năng, nhiệm vụ, bám sát các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, lấy phòng ngừa tham nhũng là phương hướng chính, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng phải kịp thời, kiên quyết, triệt để. Trong thời gian tới thành phố sẽ quyết tâm cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính góp phần hạn chế, xóa bỏ những điều kiện nảy sinh tham nhũng. Trọng tâm là rà soát lại các quy chế, quy trình trong tất cả các công việc trên cơ sở xây dựng lại chặt chẽ, đồng thời rà soát lại thủ tục hành chính ở tất cả các khâu, từ đó phân công, phân cấp cụ thể tiến tới giảm các thủ tục; công khai, minh bạch ở tất cả các khâu, các quy trình, các bộ phận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính từ thành phố tới cơ sở. Mở rộng dân chủ, đa dạng hóa các kênh giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong mỗi hoạt động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị theo quy định của pháp luật, nếu để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp trọng tâm về công tác cải cách tư pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, cơ quan tố tụng nói riêng. Trong đó, trọng tâm là phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để đầu tư cơ sở vật chất nhằm xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp thực sự chất lượng và hiệu quả.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các cơ quan chuyên trách về PCTN cần làm tốt công tác tham mưu và kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi tham nhũng, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Tại Hội nghị, 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã được UBND thành phố tặng bằng khen.

Nguyễn Đăng Khuyến

(Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội)

;
.