Hội thảo về dự thảo kết quả nghiên cứu, khảo sát 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng
Thứ Sáu, 25/03/2016, 15:08 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 24-3, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo kết quả nghiên cứu, khảo sát 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng. Tham dự có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và một số cơ quan, ban, ngành Trung ương khác.
Tại Hội thảo, các nhóm chuyên gia đã trình bày tóm tắt các báo cáo nghiên cứu độc lập. Về cơ bản, mục tiêu nghiên cứu của các báo cáo là nhận diện và cung cấp các bằng chứng thực tiễn về thực trạng tham nhũng hiện nay, đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiến hành việc tổng hợp, rà soát các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu, phân đánh giá, so sánh mức độ tuân thủ của pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng; so sánh kinh nghiệm quốc tế liên quan đến các chế định của Luật phòng, chống tham nhũng.
![]() |
Quang cảnh Hội thảo |
Các báo cáo và ý kiến phát biểu đã đưa ra một số kiến nghị đối với pháp luật phòng, chống tham nhũng sau:
Về kê khai, kiểm sát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức: Thu hẹp phạm vi đối tượng cần kê khai, chỉ cần số lượng nhất định những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước; hoàn thiện các quy định về cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tạo lập đa dạng các phương thức kê khai tài sản, thu nhập; nghiên cứu việc giao cho một cơ quan nhà nước làm đầu mối trong việc quản lý, sử dụng hệ thống dữ liệu chung về bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trên phạm vi quốc gia; nghiên cứu việc sử dụng công cụ thuế thu nhập để đánh thuế tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc, hoặc khởi kiện dân sự (xét xử không qua bản án hình sự) đối với tài sản bất minh để tịch thu, sung công.
Về quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ: Làm rõ các nội dung về xung đột lợi ích trong công vụ; xây dựng các tài liệu hướng dẫn, giải thích cụ thể về những khả năng có thể xảy ra xung đột lợi ích và làm thế nào để giải quyết tình huống xung đột lợi ích; xây dựng hệ thống các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích trong công cụ; bảo đảm trách nhiệm giải trình của công chức về hành vi, quyết định mà họ thực hiện khi thi hành công vụ; xây dựng các khuyến nghị để tránh rủi ro xung đột lợi ích đối với công chức liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức.
Về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin tham nhũng: Cần thiết lập các biện pháp đảm bảo an toàn mà người tố cáo, cung cấp thông tin có thể dễ dàng tiếp cận để tránh bị trả thù; người tố cáo, cung cấp thông tin cần có cơ hội để lựa chọn kênh báo cáo; phải bảo đảm để các kênh này tạo ra một mức độ bảo mật thông tin hợp lý; đền bù cho trường hợp bị trả thù và khen thưởng cho người tố cáo, cung cấp thông tin.
Về quy trình tuyển dụng, luân chuyển cán bộ, công chức: Xây dựng quy trình thích hợp cho việc lựa chọn, đào tạo công chức ở những vị trí được coi là rất dễ nảy sinh tham nhũng; hệ thống đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo trong PCTN; giới hạn thời gian công tác của công chức trong các lĩnh vực hoạt động dễ bị tổn thương bởi tham nhũng (không nên vượt quá 5 năm theo kinh nghiệm một số nước); giao nhiệm vụ một cách ngẫu nhiên, hoặc bởi thay đổi một cách lặp lại bằng cách đánh số cho các công chức đảm trách công việc; nên bố trí mỗi bộ phận có hai công chức trở lên phụ trách, đây chính là lợi thế thực tế để ngăn ngừa tham nhũng trong lĩnh vực có rủi ro cao.
Hà Thanh
;