Yên Bái: Kết quả 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
Thứ Năm, 24/03/2016, 10:54 [GMT+7]
Sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (2006-2015), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch hoạt động kê khai tài sản, thu nhập; xây dựng quy tắc ứng xử, trả lương qua tài khoản; luân chuyển cán bộ, công chức, cải cách thủ tục hành chính... đã thu được nhiều kết quả tốt.
Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan: Ủy ban Kiểm tra, Công an, Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra và một số ban, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Qua công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính đã giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nắm rõ quy trình, trình tự các bước phải thực hiện trong công tác quản lý tài chính và tài sản.
![]() |
Đồng chí Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, nhằm thực hiện quản lý tài chính ngân sách và thực hành tiết kiệm có hiệu quả.
Việc triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã góp phần nâng cao hiệu quả trong sử dụng và quản lý ngân sách Nhà nước trong phạm vi toàn tỉnh và thực hiện có hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng. Các vụ việc, vụ án tham nhũng phát hiện đều được xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng pháp luật, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các cấp ủy, chính quyền tỉnh luôn coi trọng sự giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng cường thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động chất vấn các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thi hành pháp luật nói chung và Luật phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng ngân sách, tài nguyên, khoáng sản, đất đai và sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc ban hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính đã được Ủy ban nhân dân tỉnh bám sát các văn bản quy định của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; ban hành các văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực tài chính, ngân sách như các chế độ định mức về chi tiêu hội nghị, chi phí tiếp khách và ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý tài chính, tài sản thuộc thẩm quyền. 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đều thực hiện chế độ tự chủ xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo các tiêu chuẩn, định mức quy định và được thực hiện công khai, có sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp trong quá trình thực hiện cũng như những sai sót trong khâu ban hành văn bản để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế và điều kiện đặc thù vùng, miền tại địa phương.
Thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể của tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn cũng như xác định rõ lộ trình thực hiện cùng thời gian hoàn thành cụ thể; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai, dân chủ trong công tác cán bộ, từ khâu tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ.
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Vân Anh
;