Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam ban hành Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ 2015-2020

Thứ Tư, 20/04/2016, 13:58 [GMT+7]

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam vừa ban hành Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ 2015 - 2020, với các nhiệm vụ trọng tâm:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến cơ sở phải trực tiếp chỉ đạo và gương mẫu thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; thường xuyên tự kiểm tra, rà soát, phòng ngừa, ngăn chặn; chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng; xác định đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là một trong các tiêu chí đánh giá năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị cũng như người đứng đầu.

Tỉnh ủy Hà Nam tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng
Tỉnh ủy Hà Nam tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tập trung phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng. Gắn tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng cơ chế cung cấp thông tin và chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; mở chuyên trang, chuyên mục, bản tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tham nhũng.

Tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách để phòng ngừa tham nhũng; đổi mới phương thức quản lý và xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện theo phân cấp; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công; cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành, huyện, thành phố để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân biết, thực hiện và giám sát.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ công; thường xuyên kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Sửa đổi, bổ sung đổi mới các quy định về công tác cán bộ, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là trong khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý tham nhũng; chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, giám sát; tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên địa bàn; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan có liên quan; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống tham nhũng; giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ phát hiện, xử lý tham nhũng; giám sát cán bộ, đảng viên sinh hoạt ở nơi cư trú; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở; tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, kịp thời kiến nghị với Đảng và Nhà nước những vấn đề có liên quan đến cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng.

Đinh Công Tấn

( Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Nam)

;
.