Bình Thuận: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng
Thứ Tư, 13/04/2016, 09:27 [GMT+7]
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, yêu cầu quán triệt sâu, triển khai toàn diện các yêu cầu, nhiệm vụ theo Chỉ thị, đưa công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chỉ thị yêu cầu, Bí thư cấp ủy, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp tổ chức quán triệt sâu, kỹ cho cán bộ chủ chốt của địa phương, đơn vị; chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
![]() |
Hội nghị tập huấn pháp luật về phòng, chống tham nhũng tỉnh Bình Thuận |
Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cấp tỉnh và huyện, Ủy ban kiểm tra các cấp phải tổ chức quán triệt sâu kỹ đến tất cả cán bộ nghiệp vụ, cán bộ có chức danh tư pháp và có kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng để thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch nói trên.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương phải thực sự gương mẫu thực hiện, có trách nhiệm trực tiếp và dành thời gian thỏa đáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, xem đây là công việc trọng tâm thường xuyên của mình. Hàng năm phải chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch tự kiểm tra nội bộ, tập trung những khâu yếu, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; khi phát hiện sai phạm phải kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ, xứ lý nghiêm và kịp thời báo cáo lên câp trên; không được bao che, ngăn cản hoặc bưng bít thông tin, giảm nhẹ sai phạm sợ liên đới trách nhiệm, mất thành tích của đơn vị; xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết thay thế người đứng đầu để xảy ra tham nhũng do không triển khai đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, không chủ động phát hiện, xử lý nhất là việc bao che, ngăn cản phát hiện, xử lý tham nhũng.
Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cấp tỉnh, huyện, Ủy ban kiểm tra, HĐND các cấp và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn thư tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ công chức, viên chức phải nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, xử lý. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực phải có kế hoạch kiểm tra, xác minh làm rõ xử lý, đúng thẩm quyền; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản tham nhũng; thường xuyên đôn đốc theo dõi kết quả giải quyết để không bỏ lọt hành vi tham nhũng không bị xử lý.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử phải tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ, xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng theo hướng tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra và đã có kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đẩy mạnh công tác truyền thông về phát hiện, xử lý tham nhũng; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng mà dư luận quan tâm theo dõi, các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và kết quả xử lý.
Thành Đạt
(VOV)
;