Quảng Bình: Kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 18/04/2016, 06:03 [GMT+7]
    Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm cao của các cấp, các ngành trong tỉnh, công tác thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng quan 10 năm ở tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công, tuyên truyền, phổ biến các văn bản Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản liên quan về phòng, chống tham nhũng.
 
    Cụ thể, trong 10 năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức được triển khai sâu rộng; gắn công tác tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng với tổ chức thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; rà soát, bổ sung, xây dựng thể chế và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được coi trọng và có chuyển biến tốt, nhất là ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; hoạt động cải cách hành chính được đẩy mạnh, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được phát huy tích cực; công tác thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường; nhiều vụ án có dấu hiệu tham nhũng phát hiện, xử lý kịp thời; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được xử lý kiên quyết, nghiêm minh. Qua số liệu báo cáo, từ năm 2005-2015, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 26 vụ án tham nhũng với 52 bị can, tài sản gây thiệt hại do tham nhũng hơn 9,9 tỷ đồng trong đó đã thu hồi và khắc phục thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng (chiếm 47,81%); công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư của công dân được các cấp  chính quyền quan tâm; trong 8.429 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đã giải quyết 3.868/3.966 đơn thuộc thẩm quyền (đạt 97,5%). Qua công tác thanh tra, giải quyết tố cáo của công dân đã phát hiện 8 vụ tham nhũng với 17 đối tượng.
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao bằng khen cho 04 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (giai đoạn 2005-2015)
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao bằng khen cho 04 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (giai đoạn 2005-2015)
    Theo đánh giá, tình hình tham nhũng trong những năm qua diễn biến phức tạp, hành vi tham nhũng tinh vi hơn, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Đặc biệt, ở các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính... thường xảy ra tham nhũng. Nhưng với quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền, cố gắng nỗ lực của tầng lớp nhân dân nên các vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đều được khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm. Những kết quả trên đã góp phần hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, làm trong sạch bộ máy, nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân là đẩy lùi và ngăn chặn tham nhũng; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt và tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng ở các đơn vị vẫn chưa được thường xuyên; thể chế, chính sách quản lý kinh tế-xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập. Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở các lĩnh vực có tiến bộ nhưng chưa đầy đủ; công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; hiệu quả thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa cao. Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua các hoạt động giám sát, hiệu quả còn thấp, ngoài ra, việc khuyến khích đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tố cáo tham nhũng vẫn chưa phát huy hiệu quả, đạt tỷ lệ thấp...
 
    Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là việc thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực còn sơ hở, bất cập; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, kỷ cương; bảo vệ, biểu dương, khen thưởng kịp thời những người mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.
Võ Việt Hùng
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)
;
.