Quảng Ngãi: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Thứ Bảy, 09/04/2016, 04:11 [GMT+7]
Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quãng Ngãi đã triển khai, quán triệt và xây dựng ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện đảm bảo kịp thời; cụ thể hóa các nội dung của các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
10 năm qua, công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, cải cách thể chế được đổi mới; công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nâng cao chất lượng; thường xuyên thực hiện việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp quản lý về một số lĩnh vực cho các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm.
![]() |
Một Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng tỉnh Quảng Ngãi |
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tương đối đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 172/184 đơn vị cấp xã; 19/22 sở, ban, ngành của tỉnh và 14/14 huyện, thành phố đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa hiện đại. UBND tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại địa chỉ http:/dichvucong.quangngai.gov.vn với 07 nhóm dịch vụ, 84 thủ tục hành chính của 05 đơn vị cấp sở được đầu tư trong giai đoạn l.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Công tác tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua được Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý chặt chẽ; thực hiện đúng quy trình; cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị và có triển vọng phát triển. Bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chung do Trung ương và địa phương quy định. Năm 2013, thực hiện thí điểm lựa chọn, bổ nhiệm một số chức danh lãnh đạo cấp sở.
Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Tính từ năm 2010 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 733 công chức, viên chức.
Từ năm 2005 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 110 vụ việc, với 244 người có hành vi liên quan đến tham nhũng; đã xem xét trách nhiệm đối với 25 trường hợp là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trực tiếp vi phạm và đã thực hiện xử lý 24/25 trường hợp.
Thực hiện Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã chỉ đạo việc đẩy mạnh rà soát để sửa đổi, bổ sung 137 văn bản, ban hành mới 114 văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Qua công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến tiêu chuẩn, định mức của ngành tài chính tỉnh đã phát hiện giá trị sai phạm là 92.051 triệu đồng, trong đó kiến nghị giảm chi 7.163 triệu đồng; kiến nghị xử lý về tài chính khác 41.673 triệu đồng; kiến nghị đã nộp ngân sách nhà nước 43.164 triệu đồng.
Việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập được hướng dẫn, triển khai thực hiện đầy đủ và đi vào nền nếp. Năm 2013 có 8.984 người phải kê khai, đã thực hiện kê khai đạt tỷ lệ 99,7%; đã thực hiện công khai 8.963 bản kê khai, đạt tỷ lệ 100%. Năm 2014, có 9.109 người phải kê khai, đã thực hiện kê khai đạt tỷ lệ 99,6%; đã thực hiện công khai 9.076 bản kê khai, đạt tỷ lệ 100%.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản về chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính. Từng ngành quán triệt thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp do Bộ trưởng các Bộ, ngành ban hành. Việc thực hiện quy tắc ứng xử và quy chế văn hóa công sở của cán bộ, công chức đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ và trong tiếp xúc, giải quyết công việc có liên quan tới người dân, doanh nghiệp, là cơ sở để công dân giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh xác định công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng ngừa tham nhũng. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã thực hiện công khai, minh bạch theo quy định về các nội dung phải công khai. UBND tỉnh, các sở ngành và UBND các huyện, thành phố đã chủ động cung cấp kịp thời các thông tin cho các cơ quan truyền thông theo đúng quy định (trừ thông tin, tài liệu mật). Bí thư cấp ủy các cấp đã tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Thủ trưởng các sở, ngành hàng tháng thực hiện đối thoại với nhân dân thông qua kênh phát thanh - truyền hình. Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân về những vấn đề bức xúc như: tranh chấp đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Về môi trường và các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng kéo dài, về chính sách an sinh xã hội... thông qua công tác đối thoại trực tiếp đã giải quyết kịp thời, đạt hiệu quả một số vụ việc phức tạp.
Đồng thời, tạo thuận lợi để người dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Các cơ quan đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 262 cuộc tại 405 cơ quan, đơn vị về thực hiện quy định công khai, minh bạch, đã phát hiện 103 cơ quan, đơn vị có vi phạm.
Hoàn thiện và thực hiện các quy định về quản lý kinh tế - xã hội phục vụ công tác PCTN được đẩy mạnh. Từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh ban hành trên 673 văn bản quy phạm pháp luật để xác lập cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh cho cấp dưới, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện…
Thành Đạt
(VOV)
;