Họp Ban Soạn thảo cho ý kiến về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Thứ Sáu, 10/06/2016, 17:43 [GMT+7]
Ngày 9-6, Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các thành viên Ban Soạn thảo về các nội dung cơ bản của dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban Soạn thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chủ trì.
Tham dự có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và một số cơ quan, ban, ngành Trung ương khác.
Quang cảnh cuộc họp |
Đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng Dự thảo Luật là dựa trên quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành. Việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và tác động đến sự ổn định, phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và các kết luận, chỉ thị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị (khóa XI) và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Sửa đổi toàn diện Luật PCTN nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng; sửa đổi, bổ sung những quy định mà qua thực tiễn công tác PCTN cho thấy việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; lựa chọn các vấn đề sửa đổi, bổ sung có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bước chuyển thực chất trong công tác PCTN. Đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật PCTN (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật khác liên quan, bảo đảm tính khả thi của Luật; tiếp tục có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.
Tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Chính phủ đã trình bày các nội dung cơ bản tại dự thảo Luật PCTN (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật gồm 10 Chương với 120 điều; bổ sung đối tượng là “Người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước”; cơ bản giữ nguyên 12 hành vi tham nhũng như quy định hiện hành, tuy nhiên có rà soát và điều chỉnh một số hành vi cho phù hợp. Dự thảo đã tách nhóm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thành một chương riêng với tên gọi “Minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập” với nhiều quy định mới, có tính đột phá nhằm mục đích kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số đối tượng có chức vụ, quyền hạn khác. Đồng thời, quy định rõ việc kê khai, quản lý bản kê khai, theo dõi biến động, xác minh, xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập không minh bạch. Đồng thời, bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định mới về công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, mô hình cơ quan, tổ chức PCTN, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của xã hội…
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cơ bản đồng tình, đánh giá cao các quy định mới tại dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), đồng thời bổ sung, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo.
Theo Kế hoạch, Dự án Luật PCTN (sửa đổi) sẽ được trình xin ý kiến Chính phủ vào tháng 9-2016; được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (khoảng tháng 10-2016).
Hà Thanh
;