Thanh tra Chính phủ tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 15/06/2016, 08:42 [GMT+7]

Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Thanh tra Chính phủ và quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Theo báo cáo tại Hội nghị, qua 10 năm thực hiện Luật PCTN, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN theo tinh thần nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về PCTN được tăng cường, đạt những kết quả quan trọng, cơ bản đảm bảo hành lang pháp lý cho công tác PCTN và hoạt động của ngành Thanh tra.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách về PCTN được rà soát, tổng kết, đánh giá và sửa đổi, bổ sung, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Luật PCTN.

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN được đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực. Hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Toàn ngành Thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 947.376 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.553 tập thể, 34.673 cá nhân; kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 124.125 tỷ đồng và 65.476 ha đất.

Qua công tác thanh tra, PCTN, giải quyết khiếu nại, tố cáo 10 năm qua, ngành Thanh tra đã phát hiện 749 vụ/1.143 người có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Riêng Thanh tra Chính phủ đã kết thúc 232 cuộc thanh tra, phát hiện tổng giá trị sai phạm 96.890 tỷ đồng, 7.028.236 USD, 24.980 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 29.788 tỷ đồng, 993.978 USD; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 66 vụ việc.

Các nội dung công tác khác trong PCTN cũng được tăng cường và mở rộng, mang lại hiệu quả rõ rệt như: tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về PCTN đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; hợp tác quốc tế về PCTN. Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN được quan tâm, triển khai thực hiện rộng rãi.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, công tác PCTN của Thanh tra Chính phủ đã tạo được chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Đồng chí nhấn mạnh, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: một số nội dung trong công tác quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ thực hiện còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ, hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài cơ quan (có chức năng PCTN) chưa thực sự nhịp nhàng, thường xuyên, hiệu quả còn thấp. Bên cạnh đó, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa chậm, thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, hiệu quả chưa cao...

Để khắc phục, đồng chí đề nghị, trên cơ sở ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Cục Chống tham nhũng phối hợp hoàn chỉnh báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN của Thanh tra Chính phủ, tổng hợp chung vào báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN của Chính phủ, phục vụ Hội nghị Tổng kết diễn ra vào cuối tháng 6-2016.

Bên cạnh đó, các cục, vụ, đơn vị xác định rõ nhiệm vụ công tác PCTN liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công, phân nhiệm, đôn đốc, kiểm tra và đưa vào nội dung kiểm điểm công tác hàng tháng, quý, năm.

                                                   Tiến Dũng

                                                                                      (Báo Thanh tra)

;
.