Bình Thuận: Những chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)
Thứ Hai, 03/10/2016, 21:04 [GMT+7]
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực.
Tỉnh ủy Bình Thuận đã tổ chức quán triệt, ban hành Chương trình hành động số 02-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và các đảng bộ trực thuộc tỉnh đã tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc tỉnh đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, đã chỉ đạo nghiêm túc việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2016 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức |
Toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 3.059 lớp với 1.454.503 lượt cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia; tổ chức 148 lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng cho 206.413 lượt cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Các cơ quan báo, đài đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng và số lượng tin, bài được đăng tải và phát sóng với hơn 6.560 lượt tin, bài.
Xây dựng và ban hành 1.374 văn bản, sửa đổi 222 văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cơ chế, chính sách và việc thực hiện công khai, dân chủ trong công tác cán bộ phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được hoàn thiện và thực hiện tốt hơn. Công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Đã tiến hành 599 cuộc thanh tra và 447 cuộc kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tổ chức kiểm tra 3.350 lượt tổ chức đảng và 2.329 lượt đảng viên; giám sát 1.100 lượt tổ chức đảng và 1.240 lượt đảng viên; qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật 02 tổ chức đảng với hình thức khiển trách và 87 đảng viên vi phạm về tham nhũng và thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong đơn vị.
Toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 3.023 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên ngày càng đi vào nền nếp. Việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên các lĩnh vực được thực hiện đúng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán được chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực như: quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân… được tăng cường.
Trong 10 năm qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 18 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề; Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức 96 cuộc giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, lãng phí đối với các đơn vị, địa phương có liên quan.
Tổng số vụ việc, vụ án tham nhũng trong toàn tỉnh phải xử lý là 127 vụ/213 người, với tổng giá trị thiệt hại là 31,52 tỷ đồng, 86 chỉ vàng, 16,064 ha đất. Đến nay, đã thu hồi được 18,222 tỷ đồng (đạt 57,8%); đã xử lý xong 122 vụ/205 người (trong đó, xử lý hành chính 35 vụ/74 người; xử lý hình sự 87 vụ/131 người), hiện đang tiếp tục xử lý 05 vụ/08 người. Qua công tác tự kiểm tra đã phát hiện, xử lý 19 vụ /24 người; trong số 63 đơn vị, địa phương để xảy ra tham nhũng, đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với 61 trường hợp (khiển trách 15, cảnh cáo 34, cách chức 12 người).
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhiều nơi chưa sâu kỹ; việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu; việc theo dõi, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên. Công tác tự kiểm tra phòng, chống tham nhũng của các địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thật sự chủ động. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, đơn vị chưa cao. Một số vụ việc tham nhũng xử lý chậm so với yêu cầu chỉ đạo của cấp ủy...
Những kết quả đạt được cho thấy, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Chương trình hành động số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực; tham nhũng trên một số lĩnh vực được kiềm chế. Những kết quả trên đã góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ngô Minh Hòa
(Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận)
;