Đảng ủy Công an Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)

Thứ Năm, 06/10/2016, 17:35 [GMT+7]
    Nhận thức rõ mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp và tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 3, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 10/KH/ĐU-X11 (X15) ngày 01-11-2006 chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện trong Đảng bộ Công an Trung ương; đồng thời tổ chức cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ học tập, nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Nghị quyết.
 
    Các cấp ủy đảng trong lực lượng Công an nhân dân đã tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Tổ chức 235 lớp tuyên truyền, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời chỉ đạo ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy đảng để lãnh đạo thực hiện Nghị quyết. 
 
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong lực lượng Công an nhân dân
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong lực lượng Công an nhân dân
    Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 04/2007/CT-BCA-V11 ngày 13-02-2007 về tăng cường công tác quản lý, giáo dục và xử lý nghiêm cán bộ, chiến sỹ Công an có sai phạm; Chỉ thị số 10/2008/CT-BCA-V24 ngày 26-11-2008 về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của lực lượng Công an nhân dân; Chỉ thị số 12/CT-BCA ngày 28-9-2011 và Kế hoạch số 188/KH-BCA ngày 24-10-2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ Công an; cấp ủy Đảng và Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đã ban hành 5.108 văn bản, sửa đổi, bổ sung 980 văn bản chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Qua nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 3, Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, hầu hết đảng viên, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an nhân dân, nhất là cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp đều có nhận thức đúng về tình hình, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
    Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của lực lượng Công an nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Công an; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng lĩnh vực, lực lượng; thường xuyên củng cố, kiện toàn về tổ chức và duy trì hoạt động, tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nội bộ và trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng; thành lập đơn vị chuyên trách tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo của Bộ Công an về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 
 
    Tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Đảng ủy Công an Trung ương về lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng trong Công an Trung ương; tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng của lực lượng Công an nhân dân… Thực hiện nghiêm quy định về thông tin, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng.
 
    Từ kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Công an nhân dân những năm qua, có thể khẳng định: Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí của lực lượng Công an nhân dân là đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của lực lượng Công an nhân dân. Thanh tra, cơ quan Điều tra tội phạm về tham nhũng đã tích cực, chủ động tham mưu, phục vụ Ban Chỉ đạo duy trì hoạt động, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Công an các đơn vị, địa phương, đồng thời trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng đạt kết quả.
 
    Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra tội phạm tham nhũng, ngày 07-4-2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra Quyết định số 1735/QĐ-BCA hợp nhất cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ với cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46). Hiện nay, mô hình này đã và đang phát huy được hiệu quả, có lực lượng chuyên trách đủ mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu trinh sát và công tác điều tra, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới về đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
 
    Sau khi kiện toàn mô hình, tổ chức, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ pháp luật, nghiệp vụ của lực lượng điều tra; bám sát chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; do vậy đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhiều vấn đề chiến lược; tạo sự chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế và tham nhũng; đảm bảo ổn định chính trị, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
                                                                                       Giang Nam
;
.