Kon Tum: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng
Chủ Nhật, 16/10/2016, 06:55 [GMT+7]
Quý III-2016, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 12-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Chỉ đạo UBND tỉnh ban hành một số văn bản triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Tiến hành kiểm tra Chương trình số 26-CTr/TU, ngày 12-02-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công tại một số đơn vị. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm, kịp thời các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đã phát hiện theo quy định của pháp luật.
![]() |
Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum kiểm tra công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tại Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy |
Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quán triệt có trọng tâm, trọng điểm chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Báo Kon Tum và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì chuyên mục phòng, chống tham nhũng.
Các ngành, các cấp thực hiện công khai theo quy định đối với việc mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; quản lý đất đai, tài sản công; công tác tổ chức - cán bộ. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện công bố công khai các thủ tục hành chính, các loại biểu mẫu, quy trình giải quyết, thời gian giải quyết và mức thu các loại phí, lệ phí; công khai số điện thoại đường dây nóng của người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh của tổ chức, công dân.
Việc thực hiện công khai, minh bạch của các cơ quan, đơn vị được thực hiện bằng nhiều hình thức như: niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, trang thông tin điện tử cơ quan, phát hành ấn phẩm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; các lĩnh vực như: Nguồn ngân sách Nhà nước; các khoản đóng góp của nhân dân; quản lý, các khoản hỗ trợ, viện trợ, dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở; y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, tư pháp, thể dục, thể thao; dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách.
Các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về thực hiện các tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nguồn kinh phí, biên chế, ngay từ đầu năm các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, bố trí nhiệm vụ phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch được giao; xây dựng bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ. Các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đều có giải pháp quản lý tài sản, sử dụng lao động hợp lý, tăng thu bổ sung nguồn kinh phí hoạt động và tăng thêm thu nhập cho người lao động Đẩy mạnh thực hiện chế độ tự chủ tài chính với quy chế tiêu chí nội bộ chặt chẽ, hợp lý, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm kinh phí hoạt động.
Thanh Hiếu
;