Chính phủ chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Thứ Ba, 13/12/2016, 14:31 [GMT+7]
    Theo Báo cáo của Chính phủ, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm cải cách hành chính được thực hiện tích cực, hiệu quả. Hệ thống thể chế tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khắc phục những sơ hở làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính được điều chỉnh phù hợp hơn. Phân cấp quản lý giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh được thực hiện có hiệu quả hơn, bảo đảm tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong quản lý của bộ máy chính quyền các cấp. Cải cách chế độ công vụ, công chức được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thể chế, pháp luật về quản lý tài chính công từng bước được đổi mới, hoàn thiện. Việc luật hóa và công khai hoá các nguồn thu và các khoản chi ngân sách nhà nước đã nâng cao tính dân chủ và minh bạch trong quản lý ngân sách quốc gia.
 
Một Hội nghị của Chính phủ
Một Hội nghị của Chính phủ
    Trong 10 năm, cả nước đã ban hành mới hơn 34.885 văn bản, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 27.120 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực; các quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; nhà công vụ; quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước... đã được ban hành, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước, góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Qua 56.338 cuộc kiểm tra, giám sát về việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã phát hiện 1.874 vụ vi phạm, xử lý kỷ luật 1.440 người; xử lý hình sự 68 người. Còn nhiều quy định về định mức, tiêu chuẩn lạc hậu, chưa sát với thực tế, tạo sơ hở dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí như quy định về giá đất; định giá tài sản; định mức công tác phí; định mức kinh tế, kỹ thuật…   
 
    Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập là thiết chế quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Từ năm 2007 đến nay, các bộ, ngành địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong vài năm đầu, việc thực hiện còn chưa đồng đều, có nơi chậm triển khai thực hiện, có nơi gặp vướng mắc, khó khăn do nhận thức của các cấp, các ngành chưa nhất quán, chưa thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; thời gian về sau với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập đã được bổ sung, hoàn thiện. Cùng với việc tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, việc kê khai tài sản đã có tiến bộ rõ rệt và dần đi vào nền nếp. Đến nay tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng thời hạn đã đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Đã xác minh 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, còn có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. 
 
    Qua theo dõi cho thấy, quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, không quy định về chế tài, thiếu khả thi. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Từ năm 2006-2015 có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.
 
    Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã xây dựng và phát động thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Qua tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của 48.411 cơ quan, tổ chức tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước 10 năm qua đã phát hiện và xử lý 3.376 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. 
 
    Trong 10 năm qua, các cấp, ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tích cực phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực và địa bàn gặp nhiều khó khăn do các quy định về vấn đề này chưa sát với đặc điểm tình hình, cần được xem xét điều chỉnh.
 
    Cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng theo quy định đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định, nhưng thực tế số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. 
 
    Ngân hàng Nhà nước tăng cường thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực thanh toán, nhằm thúc đẩy sự vận hành an toàn, có hiệu quả của hệ thống thanh toán, góp phần hạn chế giao dịch bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương ngân sách nhà nước tiếp tục được mở rộng (đạt trên 72% số cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước). 
                                                                                            Lê Sơn
;
.