Ninh Thuận: Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan Thi hành án dân sự

Thứ Năm, 15/12/2016, 15:09 [GMT+7]
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa ban hành Công văn số 931-CV/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan Thi hành án dân sự.
 
    Trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan Thi hành án dân sự đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, gắn với xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác... đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức cơ quan Thi hành án dân sự các cấp.
 
Hội nghị quán triệt các văn bản về phòng, chống tham nhũng và hướng dẫn công tác Nội chính cho đội ngũ cán bộ công chức ngành Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận
Hội nghị quán triệt các văn bản về phòng, chống tham nhũng và hướng dẫn công tác Nội chính cho đội ngũ cán bộ công chức ngành Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận
    Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các văn bản về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan Thi hành án có mặt còn hạn chế; việc sơ, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng lãng phí chưa nghiêm; nhất là trong việc tổ chức thực hiện 6 nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đầy đủ, kịp thời; cấp ủy, người đứng đầu chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi về công tác phòng, chống tham nhũng; chưa đề ra các giải pháp phòng, chống tham nhũng phù hợp thực tiễn của cơ quan, đơn vị; vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy và HĐND cấp huyện đối với công tác Thi hành án dân sự cùng cấp chưa được quan tâm đúng mức. 
 
    Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên: Vai trò trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan Thi hành án dân sự chưa được phát huy đầy đủ; việc phổ biến, quán triệt một số chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa kịp thời, thiếu sâu kỹ và thường xuyên; việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa có các giải pháp phòng ngừa cụ thể; xử lý kỷ luật hành chính có vụ chưa nghiêm; nhận thức của một số cán bộ, công chức, đảng viên làm công tác thi hành án có mặt còn hạn chế, có lúc chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
 
    Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan Thi hành án dân sự trong thời gian tới; Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: 
 
    Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo HĐND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan tư pháp, trong đó có các cơ quan Thi hành án dân sự.
 
    Ban cán sự đảng UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu về thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Thi hành án dân sự. 
 
    Chỉ đạo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp rà soát và đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án phức tạp, kéo dài; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Chỉ đạo thường xuyên kiện toàn Hội đồng định giá tài sản đáp ứng yêu cầu thi hành án; trước mắt kiên trì, kiên quyết tổ chức thi hành triệt để phần dân sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tăng tỷ lệ thu hồi tài sản; quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các cơ quan Thi hành án dân sự.
 
    Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ các khâu trong công tác thi hành án dân sự, tăng cường kiểm sát trực tiếp, nâng chất lượng kiểm sát thường xuyên. Đối với các vụ án tham nhũng kinh tế có biện pháp để yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng đầy đủ các biện pháp theo quy định pháp luật không để tẩu tán, bảo đảm tài sản thi hành án. 
 
    Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân 2 cấp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử; cấp, chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự đúng quy định, tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự.
 
    Cục Thi hành án dân sự tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị chuyên đề phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định... liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn ngành. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ, xây dựng cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án trong sạch, vững mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cán bộ, công chức thi hành án vi phạm phải xử lý kỷ luật. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc việc sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thiết thực, cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ, cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có biện pháp triệt để thực hiện các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Rà soát, tổng hợp báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp các giải pháp chỉ đạo xử lý, tổ chức thi hành triệt để phần dân sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Các huyện, thành ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng đảng đối với các cơ quan Thi hành án dân sự, nhất là có giải pháp để tách các chi bộ hiện nay đang sinh hoạt ghép; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng trong các chi bộ, cơ quan thi hành án dân sự. Thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan tư pháp nói chung và các cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng.
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành rà soát, hướng dẫn xây dựng, bổ sung quy chế, quy trình phòng ngừa, phát hiện xử lý tham nhũng, lãng phí gắn với các khâu nghiệp vụ thi hành án dân sự.
                                                                              Hà Thanh Long
(Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Thuận)
;
.