Tham vấn về đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng
Thứ Năm, 29/06/2017, 16:14 [GMT+7]
Ngày 28-6, tại tỉnh Quảng Ninh, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo Tham vấn các bên liên quan về Dự thảo Báo cáo quốc gia thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
Tham dự có đại diện các cơ quan bộ, ngành Trung ương, thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức xã hội ngoài Nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai xây dựng Báo cáo quốc gia tự đánh giá việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đối với các quy định về phòng, ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Quang cảnh Hội thảo |
Hoạt động tham vấn các bên liên quan về nội dung Dự thảo Báo cáo quốc gia trong đó có tham vấn các tổ chức ngoài Nhà nước và các chuyên gia là bước quan trọng để hoàn thành chu trình đánh giá và trách nhiệm của quốc gia được đánh giá theo đúng cơ chế đánh giá thực thi Công ước. Vì vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch và chỉ đạo việc tổ chức hội thảo lần này.
Theo thông tin tại Hội thảo, những năm gần đây, cùng với xu thế toàn cầu hóa, tham nhũng ngày càng phức tạp và trở thành một vấn nạn nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, việc hình thành một khuôn khổ pháp lý cho hợp tác giữa các quốc gia trên phạm vi quốc tế để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với hành vi tham nhũng là một yêu cầu bức thiết của cộng đồng quốc tế. Nhận thức rõ sự nguy hại của tham nhũng và tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Qua gần 8 năm thực thi Công ước, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực cả trên phương diện hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng cũng như trong thực tiễn thi hành. Nhiều quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã được nội luật hóa. Việt Nam thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên Công ước, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại Hội thảo, Thanh tra Chính phủ thông tin các cập nhật về tiến trình thực thi cơ chế đánh giá, đồng thời giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng lần này tập trung đánh giá về yêu cầu của Công ước trong phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng như: Chính sách và thực tiễn phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan phòng ngừa tham nhũng, khu vực công, quy tắc ứng xử cho công chức, báo cáo công khai, các biện pháp liên quan đến hoạt động truy tố và xét xử, sự tham gia của xã hội, các biện pháp chống rửa tiền, các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp, các cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu, hợp tác quốc tế về mục đích tịch thu, trả lại và định đoạt tài sản, thỏa thuận dàn xếp song phương và đa phương…
Chương II của Công ước quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng với nhiều nội dung. Theo yêu cầu của cơ chế đánh giá, mỗi nhóm nội dung Việt Nam phải trả lời, cung cấp thông tin theo một số câu hỏi nhất định.
Theo lộ trình thực hiện Công ước tại Việt Nam, giai đoạn năm 2016-2020, giai đoạn này sẽ tập trung vào đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Công ước và bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và thực thi Công ước nói riêng.
Mạnh Hùng
(Thanh tra Chính phủ)
;