Công bố Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Vĩnh Long
Ngày 06-9-2017, Đoàn công tác số 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng). Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó trưởng Đoàn và các đồng chí thành viên Tổ giúp việc Đoàn công tác số 7.
Làm việc với Đoàn có đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; Trương Văn Sáu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các cơ quan trong khối nội chính và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra.
Quang cảnh Hội nghị |
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó trưởng Đoàn công tác đã công bố Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Vĩnh Long. Từ ngày 06-9 đến 21-9-2017, Đoàn kiểm tra sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát tại các cơ quan, đơn vị, địa phương gồm: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Thành ủy Vĩnh Long, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Nội chính Tỉnh ủy. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, kết quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng; góp phần nhận diện và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; đánh giá những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, xác định phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Đồng chí Lê Thành Lượng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Long báo cáo kết quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng giai đoạn từ tháng 01-2011 đến hết quý I-2017. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xử lý nghiêm trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng, sai phạm về kinh tế.
Qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng đã phát hiện và xử lý 69 đảng viên vi phạm; qua kết quả thanh tra phát hiện và chuyển 04 vụ/05 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra làm rõ; trong kỳ, đã phát hiện và xử lý 16 vụ/36 đối tượng liên quan tới án tham nhũng, kinh tế; tổng số tài sản tham nhũng thu hồi theo các quyết định, bản án có hiệu lực là 3 tỷ 971 triệu đồng.
Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế mà tỉnh Vĩnh Long cần khắc phục trong thời gian tới, đó là: Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng; quy định trong quản lý tài chính chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát chi tiêu, tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng; quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng còn kéo dài…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long báo cáo thêm một số nội dung mà tỉnh Vĩnh Long đã làm tốt trong thời gian qua như: Công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; Tỉnh ủy thường xuyên thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các cơ quan nội chính phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ việc, vụ án; khiếu nại, tố cáo của công dân cơ bản được giải quyết tốt đã giúp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao Tỉnh ủy Vĩnh Long trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đơn vị được kiểm tra nghiêm túc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, báo cáo phục vụ Đoàn công tác. Đồng chí nhấn mạnh, đợt kiểm tra, giám sát này là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh xem xét, chấn chỉnh lại công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng mà dư luận xã hội quan tâm; đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Cù Tất Dũng