Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017
Ngày 05-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 7. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2017, công tác PCTN đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...; nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp |
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng.
Qua hơn 5.000 cuộc thanh tra hành chính và trên 190.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm hơn 34.000 tỷ đồng, hơn 5.800 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 19.500 tỷ đồng và trên 5.000 ha đất. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 40.000 tỷ đồng.
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 300 vụ với 706 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 145 vụ, 328 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 50% (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016).
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai; công tác PCTN tại các địa phương còn yếu chưa đồng đều; một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ công tác PCTN chậm được ban hành. Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp gây bức xúc trong xã hội. Vẫn còn chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác phát hiện, điều tra tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu, tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế chưa đạt được yêu cầu đề ra, thu hồi tài sản tham nhũng tỷ lệ còn thấp…
Để nâng cao hiệu quả PCTN, Chính phủ xác định, trong năm 2018 tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục PCTN; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội; tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng…
Các thành viên Ủy ban Tư pháp ghi nhận, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện công tác PCTN; trong năm 2017, công tác PCTN đã đạt kết quả trên nhiều mặt, góp phần tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong phát hiện, xử lý tham nhũng… Tuy nhiên, vẫn chưa có những giải pháp mang tính đột phá; thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập; việc thực một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả; số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng…
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Báo cáo chưa phản ánh hết tình hình PCTN năm 2017, chưa phân tích toàn diện sâu sắc và đánh giá đúng thực trạng tham nhũng. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN có cả chủ quan và khách quan nhưng Báo cáo chưa tập trung làm rõ nguyên nhân chủ quan. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân chính là do khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm, kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa thực sự hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Báo cáo cần xác định rõ địa chỉ, cơ quan nào, khu vực nào, người nào chịu trách nhiệm về những hạn chế, tồn tại trong PCTN. Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng phải xác định được giải pháp nào là trọng tâm. Trong PCTN, phương châm phòng ngừa là cơ bản, lâu dài nhưng việc phát hiện và chống tham nhũng hiện nay cũng đang rất cấp bách.
Vũ Khuyên
(Truyền hình Quốc hội)