Công bố kết quả kiểm tra, giám sát các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế
Chủ Nhật, 01/10/2017, 12:18 [GMT+7]
Ngày 29-9, Đoàn công tác số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương (Ban Chỉ đạo) về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn chủ trì Hội nghị công bố kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (theo Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo). Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, Phó trưởng Đoàn cùng các thành viên Đoàn công tác số 5.
Về phía tỉnh có đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các cơ quan được kiểm tra, giám sát.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại Hội nghị |
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, Phó trưởng Đoàn thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Kết luận 10-KL/TW, ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 07 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, nhất là việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội từ năm 2011-2014 và năm 2015 theo Hướng dẫn của Trung ương; chỉ đạo xử lý 07 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý kỷ luật khiển trách đối với 05 người đứng đầu các cơ quan, đơn vị do để xảy ra tham nhũng.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành giám sát đối với 53 tổ chức đảng và 25 đảng viên; kiểm tra đối với 06 tổ chức đảng và 17 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, kết luận 06 tổ chức đảng và 17 đảng viên có vi phạm; đã xử lý kỷ luật 01 tổ chức đảng và 06 đảng viên.
Ngành Thanh tra thực hiện 474 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, phát hiện sai phạm phát hiện 814 đơn vị có sai phạm với số tiền 112,96 tỷ đồng, 21.075,9 m2 đất ở và 4.273,6 ha đất lâm, nông, ngư nghiệp; kiến nghị xử lý hành chính 67 cá nhân, 19 tổ chức, đã xử lý hành chính 43 cá nhân và 01 tập thể; chuyển 15 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, điều tra 34 vụ án/48 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 31 vụ án/44 bị can. Viện kiểm sát nhân đã truy tố 32 vụ án/ 46 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế. Tòa án xét xử sơ thẩm 32 vụ án/ 47 bị cáo phạm tội về tham nhũng, kinh tế; xét xử phúc thẩm 10 vụ án/13 bị cáo.
Đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Đoàn công tác số 5 cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế những nội dung: (1) Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN; nhất là các quy định mới được ban hành; (2) Quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế (như Báo cáo đã nêu); (3) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra Đảng, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng, chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng, kinh tế; (4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; (5) Tiếp tục tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Trung ương; (6) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng…
Đoàn công tác đã kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chỉ đạo xử lý đối với 03 vụ án, 10 vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế trong việc triển khai Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo nói riêng và công tác PCTN nói chung và những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phát hiện tham nhũng của lực lượng Công an còn ít; nhiều vụ sau khi có kết luận thanh tra, nhưng việc xử lý sau thanh tra còn kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự phát hiện qua thanh tra còn ít; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, một số vụ án tham nhũng, kinh tế còn hạn chế, do vậy, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, hoặc điều tra, xét xử lại; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế trong một số trường hợp chưa chặt chẽ; một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhưng chưa được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm...
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Đoàn công tác đề nghị: (1) Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế tại địa phương, bảo đảm xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật; (2) Khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện kiến nghị Đoàn công tác đã nêu trong dự thảo Báo cáo; (3) Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ PCTN; chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các ngành nội chính trong phát hiện, xử lý tham nhũng; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế; (4) Đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng tham nhũng, kinh tế, dư luận xã hội quan tâm; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; (5) Cần nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN nhằm nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức, triển khai công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.
Thu Huyền
;