Chống tham nhũng không có vùng cấm

Thứ Hai, 11/12/2017, 14:24 [GMT+7]
    Việc tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương); khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Ðinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, một lần nữa khẳng định tinh thần kiên quyết, thận trọng, nghiêm minh và đúng mực của Ðảng ta trong xử lý cán bộ sai phạm, bất kể người đó là ai, giữ cương vị, trọng trách gì.
 
    Ðây cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Ðảng và đang được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị mới, nhằm không ngừng làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, để mỗi cán bộ thật sự là công bộc của dân, vì dân. 
 
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII)
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII)
    Một số sai phạm của ông Ðinh La Thăng đã được Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII chỉ rõ, mặc dù có gần 35 năm công tác, có đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nhưng trên cương vị Ủy viên Trung ương Ðảng khóa X, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN giai đoạn 2009-2011, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân, đến mức phải thi hành kỷ luật. Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã quyết định cảnh cáo, cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII đối với ông Ðinh La Thăng.
 
    Ðể đưa ra những kết luận, hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông Ðinh La Thăng là cả quá trình kiểm tra, xác minh, điều tra kiên trì, công phu, công tâm, khách quan, chính xác của các cơ quan chức năng. Ðiều đó cho thấy tinh thần quyết liệt, nhưng thận trọng, xử lý nghiêm minh nhưng đúng mực, vừa bảo đảm kỷ cương, kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, vừa thể hiện bản chất nhân văn, vì trách nhiệm với xã hội và mỗi người. Việc xử lý và kỷ luật ông Ðinh La Thăng thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Ðảng, cán bộ sai phạm đến đâu xử lý nghiêm minh đến đó, lần lượt làm rõ từng việc sai phạm dù ở thời điểm nào, chắc chắn, thận trọng, công tâm,...
 
    Trong buổi công bố quyết định phân công làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ngày 10-5-2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Ðinh La Thăng thừa nhận, quyết định kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương đối với ông là có lý, có tình, thể hiện sự đoàn kết cao, tập trung, thống nhất cao trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và ông xin nghiêm túc chấp hành kỷ luật của Ðảng.
 
    Ðối với ông Ðinh La Thăng những hình thức kỷ luật nêu trên là một bài học đắt giá. Ðây cũng là điều không cán bộ, đảng viên nào mong muốn, là bài học sâu sắc trong công tác cán bộ, là sự cảnh tỉnh, cảnh báo đối với những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Ðảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, có tư tưởng vụ lợi cá nhân.
 
    Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, từ lâu, Ðảng ta có nhiều nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ. Ðội ngũ cán bộ trong cả hệ thống chính trị ngày càng trưởng thành về nhiều mặt, qua thực tiễn, trình độ, năng lực được nâng cao. Song điều băn khoăn, lo ngại là, những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm trong cán bộ và công tác cán bộ chậm được khắc phục, nhất là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đã làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và chế độ. Không phải khi bước vào kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, mới xuất hiện tình trạng ấy. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những thói hư, tật xấu của cán bộ và thường xuyên ngăn chặn; nhắc nhở cán bộ từ Chính phủ đến các làng phải là công bộc của dân; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
 
    Ðể thật sự là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính, Ðảng ta luôn chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, gần đây, từ khi có các Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII, nhiều vụ việc tiêu cực, nhiều cán bộ sai phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ và gửi gắm niềm tin tưởng vào Ðảng.
 
    Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, diễn ra ngày 25-11 vừa qua tại Hà Nội, đã thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I-2018. Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn PVN vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Ðại dương (Oceanbank) ra xét xử.
 
    Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Cơ hội và thách thức đan xen. Là Ðảng duy nhất cầm quyền, hơn bao giờ hết, Ðảng ta thường xuyên chăm lo, làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng để thật sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Ðảng, của cả hệ thống chính trị vừa hồng, vừa chuyên, Ðảng luôn kêu gọi đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung của đất nước với tinh thần cán bộ có công thì thưởng, sai phạm thì xử lý nghiêm minh, không có "vùng cấm", "vùng né", "vùng nể" nào. Ðó cũng là sự mong đợi của nhân dân; là công bằng xã hội, là kỷ cương, phép nước, là động lực thôi thúc cán bộ phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Ðảng.
                                                                                           Bắc Văn
                                                                                       (Báo Nhân Dân)
;
.