Bình Dương: Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017
Năm 2017, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) được các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương quan tâm, chú trọng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đã tổ chức 13 Hội nghị tập huấn cho hơn 900 lượt cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các cơ quan, ngành, đoàn thể tham gia; cấp phát hơn 75.000 tờ gấp tuyên truyền về Luật phòng, chống tham nhũng cho 91 đơn vị xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh tổ chức 1.198 cuộc tuyên truyền pháp luật có lồng ghép nội dung PCTN với hơn 37.000 lượt người tham dự.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 |
Tiếp tục triển khai đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đối với Giáo dục Trung học, nội dung PCTN được tích hợp, lồng ghép vào môn Giáo dục công dân. Đối với Giáo dục Chuyên nghiệp, Đại học và Trường Chính trị tỉnh, nội dung PCTN được giảng dạy trong bộ môn Pháp luật với thời lượng 30 tiết.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong hoạt động; gắn công khai, minh bạch với cải cách thủ tục hành chính. Đã thực hiện công khai 19 lĩnh vực, hơn 80 nội dung với nhiều hình thức như: niêm yết tại cơ quan, đơn vị, đăng tải các văn bản, thông tin về cơ chế, chính sách trên cổng thông tin điện tử…
Hầu hết các đơn vị trong tỉnh đã xây dựng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về quy tắc ứng xử được chú trọng.
Việc chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng được quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 106 trường hợp. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc ở một số vị trí đặc thù như: Kế toán, cán bộ địa chính của UBND xã, phường, lĩnh vực lãnh sự (Sở Ngoại vụ), cán bộ nghiệp vụ thanh tra…
UBND tỉnh đã báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 theo quy định. Theo đó, có 61/61 cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức việc kê khai đã tiến hành kê khai, đạt tỷ lệ 100%. Số người đã kê khai là 7799/7799 người, đạt 100%. Đã công khai 100% số bản kê khai bằng hình thức niêm yết và công bố tại cuộc họp.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện tại, tỉnh đã triển khai thực hiện cung cấp mức độ 3 và 4 đối với 116 thủ tục hành chính trên Trang thông tin hành chính công của tỉnh. Mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh từng bước được củng cố, kiện toàn và hoạt động ổn định, hiệu quả; Bộ phận một cửa cấp xã, huyện được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
Ngành thanh tra thực hiện 55 cuộc thanh tra, kết thúc 51 cuộc, ban hành kết luận 49 cuộc. Qua thanh tra phát hiện 38/158 đơn vị, tổ chức và 13 cá nhân sai phạm với tổng số tiền 49 tỷ 888 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 48 tỷ 812 triệu đồng, đã thu hồi nộp ngân sách 15 tỷ 750 triệu đồng, xử lý hành chính 38 đơn vị, tổ chức và 13 cá nhân. Qua công tác thanh tra kinh tế - xã hội chưa phát hiện vụ việc tham nhũng.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh đang thụ lý điều tra 02 vụ/01 bị can (số cũ 01 vụ án Tham ô tài sản; số mới 01 vụ/01 bị can).
UBND tỉnh đã thực hiện 02 đoàn thanh tra trách nhiệm về PCTN tại 11 đơn vị; 01 đoàn thanh tra rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội. Đối với Thanh tra huyện thị, sở, ngành, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm PCTN được lên kế hoạch hàng năm và thực hiện lồng ghép các cuộc thanh tra trách nhiệm về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Trong năm 2017, đã thực hiện 27 cuộc với 88 đơn vị; qua đó kiến nghị các đơn vị khắc phục những hạn chế như: Xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; triển khai và thực hiện kê khai tài sản, thu nhập đúng đối tượng và công khai bản kê khai đúng quy định, việc quản lý công khai các khoản đóng góp của nhân dân…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN còn một số hạn chế, khó khăn: Việc chuyển đổi vị trí công tác gặp nhiều khó khăn với một số chức danh do không có nguồn thay thế, để thực hiện công việc phải trải qua quá trình đào tạo nghiệp vụ và tập sự. Việc tự phát hiện những sai phạm, tham nhũng trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở một số cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn còn mang tính hình thức, chưa sâu, hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về PCTN của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đầy đủ, kịp thời.
Trung Kiên