Hà Tĩnh: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 29/05/2018, 14:43 [GMT+7]
    Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các Thông báo Kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng…
 
Một phiên họp thường kỳ Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Một phiên họp thường kỳ Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
    Nhằm nâng cao và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả vai trò lãnh đạo, Tỉnh ủy đã ban hành 01 nghị quyết, 01 chỉ thị, 01 quyết định, 02 quy định; 04 chương trình, 03 kế hoạch và nhiều thông báo kết luận về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 02 chỉ thị, 12 quyết định, 06 chương trình, kế hoạch và nhiều văn bản khác về công tác phòng, chống tham nhũng. Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến ngày 15-3-2018, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành 648 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các sở, ngành ban hành nhiều văn bản quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong công tác quản lý tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư xây dựng, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng phù hợp với quy định của pháp luật.
 
    Ban Thường vụ cấp ủy các cấp thực hiện định kỳ hàng quý giao ban khối nội chính về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tổ chức các cuộc họp để nghe các cơ quan chức năng báo cáo tình hình, cho ý kiến chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng và việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy hàng năm tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại các địa phương, đơn vị; triển khai có hiệu quả các chuyên đề trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.
                                                                                                    P.V
;
.