Tòa án nhân dân tối cao: Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng
Thứ Năm, 31/05/2018, 15:26 [GMT+7]
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng. Nhiều văn bản quan trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp đã được khẩn trương xây dựng, ban hành. Các văn bản quy định cụ thể trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết các việc, vụ việc phát sinh tranh chấp có liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đồng thời, xác định các cơ chế đảm bảo giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án và các lĩnh vực hoạt động quản lý Nhà nước khác.
Tòa án nhân dân tối cao triển khai công tác tòa án năm 2018 |
Tòa án nhân dân tối cao cũng đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như các kế hoạch, chương trình thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án; Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý sử dụng tài sản công; Quyết định về phân cấp quản lý cán bộ Tòa án nhân dân địa phương; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án; Quyết định về việc ban hành Quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức Tòa án. Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi trách nhiệm của mình. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác giải quyết, xét xử các vụ án về tham nhũng.
Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao giao Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao làm đầu mối theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng và triển khai công tác kê khai, minh bạch tài sản thu nhập trên toàn hệ thống tòa án theo đúng quy định tại Nghị định số 78-2013/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và hướng dẫn tại thông tư số 08-2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013 của Thanh tra Chính phủ.
Nhìn chung, công tác xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để thực hiện có hiệu quả những giải pháp phòng, chống tham nhũng. Những năm qua, văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực được bổ sung, hoàn thiện đã tăng cường tính đồng bộ, chặt chẽ của hệ thống pháp luật, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thông qua công tác xét xử các tội phạm về tham nhũng, phối hợp với các cơ quan hữu quan, mở các phiên tòa lưu động xét xử các vụ án về tham nhũng và có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, đưa tin kịp thời về kết quả của phiên tòa, nhằm nâng cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và khuyến khích quần chúng tham gia đấu tranh phát hiện, tố giác loại tội phạm này.
Như Uyên
(Tòa án nhân dân tối cao)
;