Quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Chủ Nhật, 19/08/2018, 07:47 [GMT+7]
    Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta chỉ ra rằng, trong tất cả các giai đoạn của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng đều có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các quyền và trách nhiệm sau: Tuyên truyền, vận động nhân dân, thành viên của mình tham gia phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý tham nhũng; giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 
Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam
Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam
    Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã thể chế hóa Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 về giám sát và phản biện xã hội thành hai chương, Chương V hoạt động giám sát và Chương VI hoạt động phản biện. Luật đã có các quy định về mục đích, đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; quyền và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bãi nhiệm đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đối với phản biện xã hội, Luật cũng chỉ ra đối tượng nội dung, phạm vi phản biện xã hội, các hình thức phản biện và quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động phản biện xã hội cũng như quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định khá rõ về thẩm quyền, quy trình thủ tục của Mặt trận các cấp trong giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, mới chỉ quy định chủ thể giám sát, phản biện là tổ chức (Mặt trận các cấp) mà chưa có giám sát, phản biện của cá nhân, nhất là những “cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo,... là một chủ thể cấu thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế này, nhằm góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
    Trước hết, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và giám sát, phản biện xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng. Đến nay, Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã ra đời và đi vào thực tiễn nhưng giám sát và phản biện xã hội vẫn còn là vấn đề mới. Vì thế, trong nhận thức cũng như tổ chức thực hiện, giám sát và phản biện xã hội chưa được xem là một phương tiện kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm cho quyền lực nhà nước hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật góp phần phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Giám sát xã hội quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 là phương tiện để Mặt trận các cấp thực hiện quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực nhà nước đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong quá trình thực thi công vụ. Còn phản biện xã hội là phương tiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực nhà nước trước khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành chính thức các dự thảo văn bản tác động đến đời sống nhà nước và đời sống xã hội. Cả hai phương tiện kiểm soát quyền lực nhà nước trước và sau của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có tác dụng phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Có nhận thức đầy đủ và sâu sắc như vậy, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc mới không mang tính hình thức, mới đi tới cùng. Không nên nghĩ rằng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát phản biện mang tính xã hội, cho nên không có hiệu lực và hiệu quả. Nói tính chất giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát phản biện xã hội để chỉ chủ thể giám sát là toàn thể nhân dân tham gia trong các tổ chức rộng lớn của mình nhưng đều phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với chủ thể giám sát và phản biện mang tính xã hội rộng lớn, sức mạnh của giám sát phản biện xã hội cũng mang tính xã hội rộng lớn, do đó tuy không có các chế tài cụ thể nhưng sức mạnh của giám sát, phản biện xã hội lại rất sâu rộng. Đó là sự đồng tình hay lên án của dư luận xã hội và nhiều khi dư luận xã hội lên án còn nặng nề hơn là một chế tài pháp lý cụ thể. Vì thế, đổi mới tư duy, nhận thức đầy đủ và đúng đắn về giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giải pháp trước tiên để nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.
 
    Nội dung cuộc giám sát của Mặt trận Tổ quốc cần tập trung vào những vấn đề trực tiếp gắn với cuộc sống của nhân dân, gắn với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân mà trọng tâm là hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc đang cản trở công cuộc xây dựng, phát triển ở địa phương. Theo đó, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong phòng, chống tham nhũng là việc tổ chức, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở các cấp chính quyền và ở những cá nhân có trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Phòng, chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh nhằm phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Do đó, giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng phải lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc mà các hành vi tiêu cực tham nhũng xâm hại trực tiếp đến lợi ích chính đáng của nhân dân nhằm tạo ra những tác động dây chuyền đến việc thực hiện toàn bộ chủ trương, chính sách, pháp luật…
                                                                             Trần Ngọc Đường
.