Trà Vinh: Sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh

Thứ Sáu, 03/08/2018, 15:06 [GMT+7]

Tỉnh ủy Trà Vinh vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) đến nay và công tác nội chính 6 tháng đầu năm 2018.

Các đồng chí: Trần Trí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Triết, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu khai mạc Hội nghị
Đồng chí Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng và PCTN, định kỳ có sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, lấy kết quả PCTN là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu. Các ngành, các cấp quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về PCTN nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong kỳ triển khai được trên 26 ngàn cuộc, với trên 900 ngàn lượt người dự.

Cùng với việc nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên về công tác PCTN, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về PCTN, gắn PCTN với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật trong đảng. Trong kỳ, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm điểm trách nhiệm về mặt Đảng đối với 03 đảng viên là người đứng đầu và 02 đảng viên là cấp phó của người đứng đầu; kỷ luật về chính quyền buộc thôi việc 03 cán bộ, công chức phạm tội “Tham ô tài sản”; khai trừ đảng 02 đảng viên tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 40 tỷ đồng, hơn 29 ha đất; ban hành 2.377 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 23 cuộc kiểm tra, giám sát, qua đó đã chấn chỉnh đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tránh để xảy ra vi phạm.

Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ nét, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị. Các ngành chức năng đã tăng cường tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng. Các cơ quan Kiểm tra của Đảng, Thanh tra, Công an, Kiểm sát, Tòa án vào cuộc ngày càng tích cực, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ban Nội chính Tỉnh ủy nỗ lực, chủ động, sâu sát, quyết liệt hơn trong tham mưu, đề xuất, giúp Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác….

Đối với lĩnh vực nội chính 6 tháng đầu năm, các ngành, địa phương đã triển khai quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy trên lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Phối hợp làm tốt công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trên lĩnh vực an ninh chính trị; phát hiện kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các hội, nhóm phản động bên ngoài và số đối tượng hoạt động trên địa bàn; kiềm chế và kéo giảm số vụ xâm phạm trật tự xã hội, không để hình thành tội phạm có tổ chức, góp phần tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; các cơ quan Khối nội chính cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên ngành.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều mặt chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống và sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa đi vào chiều sâu. Ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia đấu tranh tố giác hành vi tham nhũng chưa cao. Một số cấp ủy, người đứng đầu đôi lúc chưa quan tâm chỉ đạo công tác tự kiểm tra nội bộ; công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng chưa đồng đều, khả năng phát hiện tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, thanh tra còn hạn chế. Một số ít đơn vị, địa phương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, đất đai, xây dựng cơ bản còn lỏng lẻo; việc phối hợp với các ngành chức năng trong quá trình thanh tra và xử lý sau thanh tra có việc còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc, có việc chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất về quan điểm xử lý trong một số vụ việc liên quan đến tham nhũng… Tình hình an ninh, trật tự, an ninh nông thôn còn diễn biến phức tạp;công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt, còn xảy ra một số vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp; công tác phối hợp, kết hợp thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đối thoại trực tiếp với nhân dân để phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động khiếu kiện làm cho tình hình thêm phức tạp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Trí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng; Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định. Tích cực xác minh, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng. Các cấp ủy, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện dứt điểm Kết luận của Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hàng năm theo Hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương. Tiếp tục thu hồi tiền sai phạm sau kết luận thanh tra còn tồn đọng kéo dài nhiều năm, chưa giải quyết dứt điểm. Trong tổ chức thực hiện cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, chú ý tăng cường vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thanh tra nhân dân, các cơ quan thông tấn báo chí... Kịp thời khen thưởng, biểu dương và bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Về công tác nội chính, các cơ quan nội chính phải chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời những yếu tố có khả năng gây mất ổn định an ninh trật tự tại cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Các cơ quan tố tụng phối hợp chặt chẽ trong quá trình tiến hành tố tụng các vụ án, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm bản án được thi hành. Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục duy trì tốt hội nghị giao ban khối các cơ quan nội chính hàng quý nhằm trao đổi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các vụ việc, vụ án phức tạp, tham mưu Tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo kịp thời…

Mai Thị Ngọc Bích

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Trà Vinh)

.