Bộ Y tế: Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2021
Thứ Bảy, 01/09/2018, 06:45 [GMT+7]
Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2021, nhằm thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29-11-2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tạo bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác và quyết tâm cao trong hành động; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, liêm chính. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác PCTN; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu dự Hội nghị công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Y tế |
Nội dung của Kế hoạch gồm: (1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN; (2) Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ; (3) Kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; (4) Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đảm bảo công khai minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN; (5) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
Kế hoạch và quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm quán triệt toàn diện, đầy đủ quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Nhà nước trong PCTN và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác PCTN, trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Y tế trong công tác PCTN. Các nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch này phải khả thi, đồng bộ, hiệu quả, tránh hình thức.
Bộ Y tế yêu cầu các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải chủ động, tích cực nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong PCTN. Luôn xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phải cam kết về sự liêm khiết, gương mẫu; mạnh dạn tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế của đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch, căn cứ thực tế của đơn vị để xây dựng kế hoạch PCTN của đơn vị mình, cần xác định rõ các lĩnh vực, các khâu dễ xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình để có các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả phòng ngừa tham nhũng cao. Các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Bộ định kỳ theo quý, 6 tháng, 9 tháng và năm (thông qua báo cáo công tác PCTN gửi về Thanh tra Bộ).
Văn Bắc
(Báo Nhân Dân)